Theo Bộ NN&PTNT, cùng với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, hiện nhiều địa phương đã tổ chức tái đàn lợn có kết quả tốt, dự báo nguồn cung thịt lợn sẽ cải thiện đáng kể trong thời gian tới, nhất là dịp Tết và Quý I/2020.
Nhiều địa phương tổ chức tái đàn tốt, cùng với các doanh nghiệp lớn sẽ tăng nguồn thịt lợn trong dịp Tết
Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện đàn lợn cả nước khoảng 25 triệu con, đàn nái là 2,7 triệu con cơ bản đáp ứng được nguồn cung con giống cho sản xuất.
Nhiều cơ sở chăn nuôi đã tái đàn từ tháng 7/2019 và vẫn duy trì thường xuyên tăng đàn và tái đàn, nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được duy trì và phát triển.
Nguồn thịt chủ yếu ở các công ty, trang trại và hộ chăn nuôi lớn. Đây là những cơ sở này có đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh.
Theo Cục Chăn nuôi, hiện nhiều địa phương, cơ sở chăn nuôi không xảy ra dịch, đã chủ động tăng đàn, tái đàn rất tốt như Bắc Giang, Phú Thọ, Bình Định, Đồng Nai....,nhiều tỉnh chuyển đổi, tăng cường các vật nuôi khác như Bắc Giang, Hòa Bình, Bến Tre…
Ngoài ra, một số địa phương tổ chức dự trữ các mặt hàng thiết yếu, trong đó có nguồn thực phẩm cho nhu cầu cuối năm và Tết Canh Tý.
Trong đó, Hà Nội bố trí nguồn kinh phí 31,2 nghìn tỷ đồng, TPHCM bố trí gần 103 nghìn tỷ đồng, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức dự trữ 20.000 tấn thịt lợn, Phú Thọ ước tính sản lượng thịt lợn đạt 10.000 tấn, trong khi nhu cầu của địa phương là 7.000 tấn cho 3 tháng trước và sau Tết Nguyên đán.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Bắc Giang, đến nay tỉnh đã có 221 xã qua 30 ngày không có dịch tả lợn châu Phi. Trên địa bàn tỉnh duy trì 2 cơ sở cung cấp giống gốc để cung ứng con giống cho các hộ đủ điều kiện tái đàn, nhờ đó đến nay Bắc Giang đã có 63.000 lợn nái, 900.000 lợn thịt.
Dự kiến đến tháng 6/2020 Bắc Giang sẽ có trên 1,1 triệu con lợn. Riêng dịp Tết Nguyên đán, người chăn nuôi trong tỉnh sẽ cung ứng 37.000 - 38.000 tấn thịt các loại.
Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp lớn cũng đã sẵn sàng tăng nguồn cung cho Tết sắp tới. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam- doanh nghiệp đang chiếm tổng đàn lợn lớn nhất cả nước cho biết, C.P chủ trương đồng hành với người tiêu dùng, cung cấp tối đa có thể nguồn cung thịt lợn. Thậm chí trọng lượng lợn xuất chuồng trung bình đạt 95 - 96 kg/con, non hơn bình thường Cty cũng đã xuất.
Mới đây, CP cũng chủ động giảm giá thịt lợn và hiện bán khoảng 83.000 đồng/kg ở phía Bắc và thấp hơn giá thị trường. Theo ông Tuấn, tháng 12/2019, C.P Việt Nam đã cung cấp ra thị trường khoảng 500 nghìn lợn thịt xuất chuồng, tương đương khoảng 16.000 con/ngày, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2018 và sẽ duy trì việc tăng nguồn cung một cách ổn định trong thời gian tới.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đi kiểm tra công tác tái đàn ở các địa phương
Còn đại diện Tập đoàn Dabaco cũng cho biết, tổng đàn nái của tập đoàn đã nâng lên mức 43 nghìn con, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Theo kế hoạch thời gian tới, Dabaco sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng đàn nái lên khoảng 45.600 con, theo đó sẽ tăng khá mạnh về tổng đàn lợn thịt so với hiện tại.
Trong khi đó, ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin cho hay, tổng đàn nái của của Mavin đến thời điểm này đã được nâng lên ở mức 23 nghìn con, và quy mô đàn nái sẽ tăng lên ngay từ đầu năm 2020. Hiện Mavin đang tung ra thị trường khoảng 1.000 lợn thịt/ngày. Con số này sẽ khoảng 20% trong dịp Tết.
Là doanh nghiệp đang sở hữu nhà máy chế biến thịt mát lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn Masan đề nghị Bộ NN&PTNT kết nối các công ty, doanh nghiệp chuyên về chăn nuôi như C.P, Dabaco với doanh nghiệp chế biến để hình thành các chuỗi.
Nếu có chuỗi này, giá thịt lợn ngoài chợ sẽ khó nhảy vọt lên 200.000 đồng/kg như hiện nay mà có thể thấp hơn, cũng như không xảy ra tình trạng găm hàng, thổi giá.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nếu các doanh nghiệp lớn như C.P, Masan, Mavin, Green Feed, Dabaco…cùng bắt tay nhau làm ăn theo chuỗi thì sẽ không có chuyện giá lợn hơi tăng phi mã như hiện nay.
“Nguồn cung để phục vụ tái lợn hiện tương đối dồi dào, nhiều nơi đã có sản phẩm tái đàn và sau tháng 1 đàn lợn sẽ tăng lên rõ rệt, thời gian tới giá chắc chắn sẽ bớt nóng”, ông Tiến nói.
Thứ trưởng Tiến cũng cho rằng, giải pháp quan trọng lúc này là tập trung giữ an toàn sinh học, không để dịch bệnh lây lan thêm để tăng đàn và tái đàn. Cùng đó, là tổ chức, tăng sản xuất các loại thịt gia súc, gia cầm khác… để tăng nguồn cung thực phẩm.
“Như vậy, tới đây, một phần thịt lợn sẽ được bù đắp nhờ tái đàn, và thực phẩm từ các động vật khác, còn lại chúng ta sẽ thực hiện như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, là nhập thêm thịt để đảm chỉ số CPI ở mức vừa phải, hài hòa lợi ích của người chăn nuôi và người tiêu dùng”, Thứ trưởng Tiến nói.
Theo Ngân Khánh/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/kinh-te/nhieu-tin-hieu-tich-cuc-ve-nguon-cung-thit-lon-dip-tet-1503728.tpo