Khi lợn nuôi quá lứa hệ số chuyển đổi kinh tế thấp đi và lợn thịt còn đối diện với nguy cơ dịch bệnh và đổ giá khiến người nuôi thua lỗ.
Thời gian gần đây giá thịt lợn tại nhiều địa phương trong cả nước liên tục có xu hướng tăng, ngoài những nguyên nhân về dịch bệnh tả lợn châu Phi, việc kiểm soát vận chuyển thịt lợn giữa các vùng miền trong nước hay tình trạng găm hàng "đầu cơ" cũng đã khiến giá thịt lợn liên tục tăng cao.
Mặc dù thịt lợn là món ăn chính trong thực đơn hàng ngày, nhưng giá liên tục tăng cao trong những tháng trở lại đây đã khiến nhiều người tiêu dùng phải cân nhắc điều chỉnh khẩu phần thịt lợn trong bữa cơm của mỗi gia đình.
Chị Lâm Tuyết Anh ở Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội than phiền, giá thịt lợn lên quá nhanh, trước có 80.000 đồng/kg nhưng giờ lên đến 160.000 đồng/kg. Tương tự, bà Bùi Huyền Trang ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng phàn nàn, giá thịt lợn tăng quá cao nên đã phải nghĩ đễ chuyển sang món ăn thay thế khác để thay thế.
Chuyên gia cho rằng găm thịt lợn chờ giá sẽ gặp nhiều rủi ro.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, mặc dù nguồn cung không dồi dào nhưng mức giá thịt lợn hơi tăng nhanh trong những ngày qua có vấn đề về lưu thông và thông tin về nguồn cung và giá.
Về lưu thông có dấu hiệu nguồn cung không được điều tiết hợp lý giữa các vùng với nhau. Bên cạnh đó, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ trước khi chưa có dịch chủ yếu các thương lái mua lợn của các nông hộ, nhưng vừa qua xảy ra dịch nên lợn trong nông hộ không còn. Nếu giết mổ vài con hiện nay thương lái sẽ không mua được ở các trang trại lớn, công ty lớn, tình trạng này dẫn đến sự "khan hiếm ảo" trên thị trường, mặc dù giá cao vẫn phải mua về mổ để bán.
“Giá thịt tăng cao và nhanh như vậy là có dấu hiệu cục bộ, có thể gọi là “sốt ảo” trong phạm vi nhất định về không gian và thời gian. Thời gian qua, quá trình lưu thông, thông tin thiếu rõ ràng đã tạo cơ hội cho thương lái, họ mua thịt lợn của công ty chỉ có 65.000 đồng/kg nhưng ra ngoài bán đến 70.000 đồng/kg. Điều này đã khiến giá thịt bị đẩy cao hơn so với quy luật cung - cầu”, ông Dương nhận định.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, mặc dù việc giảm nguồn cung thịt lợn đã được bù đắp một phần từ các loại thực phẩm khác như thủy sản, thịt gà, thịt bò nhưng nhìn chung theo tập quán tiêu dùng của người Việt Nam, nhu cầu thịt lợn vào dịp Tết vẫn cao. Do đó, việc cân đối cung cầu mặt hàng này từ nay đến Tết Nguyên đán còn nhiều vấn để căng thẳng cần được quan tâm xử lý.
Bên cạnh đó, cũng không loại trừ tình trạng găm hàng, nhằm trục lợi về giá ở những doanh nghiệp có nguồn cung lớn. Mới đây nhất theo phản ánh của một số Hiệp hội chăn nuôi các tỉnh phía Nam, tình trạng này đã và đang diễn ra ở một số địa phương.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã nhấn mạnh đến một số giải pháp để bình ổn giá, không để tình trạng trục lợi "găm hàng" dịp tết Nguyên Đán.
“Cần đảm bảo công tác thương mại không để trục lợi, không để tình trạng găm hàng. Người chăn nuôi giữ lợn thịt chờ giá là có hại, vì khi lợn nuôi quá lứa hệ số chuyển đổi kinh tế thấp đi. Đặc biệt, khi thời tiết bất lợi những ngày cuối năm và đầu năm sẽ tăng nguy cơ và rủi ro về dịch bệnh. Nếu ai cũng găm hàng sẽ đến một lúc nào đó "đổ giá" người chăn nuôi sẽ bị lỗ. Vì vậy, ngoài việc tăng sản xuất, an toàn thực phẩm thì vấn đề thương mại phải hết sức chú ý, đảm bảo đúng quy luật thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.
Dự kiến nguồn cung thịt lợn từ nay đến tết Nguyên Đán sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn, tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70.000 tấn thịt hơi (tính cho 3 tháng gần Tết là tháng 11, 12, và tháng 1).
Cùng với nỗ lực của ngành Công Thương, Bộ NN&PTNT cũng đang cử các đoàn công tác đi đôn đốc các địa phương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do bệnh dịch tả lợn châu Phi; yêu cầu và hướng dẫn các doanh nghiệp chăn nuôi tái đàn một cách an toàn trong thời điểm này./.
Theo Minh Long/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/canh-bao-nguoi-chan-nuoi-thua-lo-khi-gam-khong-ban-lon-993371.vov