Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì và phát triển thị trường trọng điểm.
Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của các hợp tác xã tại một hội chợ. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Tính hết tháng 11/2019, các đề án thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã hỗ trợ hơn 5.000 lượt doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam và nước ngoài; thu hút hơn 1 triệu lượt khách thương mại đến tham quan giao dịch tại các sự kiện và thực hiện hơn 100.000 lượt giao dịch thương mại có khả năng đi đến đặt hàng, ký kết hợp đồng.
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2019 và triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2020 được tổ chức sáng 24/12.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu thời gian tới, Ban quản lý Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên làm công tác xúc tiến thương mại tại các đơn vị.
Việc xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại cần có tính dài hạn, bền vững; các hoạt động xúc tiến tổ chức phong phú, đa dạng hơn tạo sự mới lạ thu hút các đơn vị tham gia cũng như tổ chức trong các chương trình.
Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2020 được triển khai với tổng kinh phí là 136 tỷ đồng, tăng so với năm 2019.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì và phát triển thị trường trọng điểm, đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn, mang tính định hướng; triển khai các hoạt động đào tạo phát triển sản phẩm chuyên sâu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp...
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2019 được Bộ Công Thương phê duyệt và thực hiện được 205 đề án với tổng kinh phí là 125 tỷ đồng.
Kinh phí được bố trí, giao cho các tổ chức xúc tiến thương mại Trung ương và địa phương, các hiệp hội ngành hàng làm đơn vị chủ trì thực hiện đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại.
Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy xuất khẩu và đưa kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt mốc dự kiến 500 tỷ USD trong năm 2019. Sự tăng trưởng này thể hiện hoạt động xúc tiến xuất khẩu đã khai thác và tận dụng tốt các FTA để mở rộng thị trường, nhất là các thị trường đòi hỏi yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa.
Chương trình cũng triển khai tốt các hoạt động thực hiện cam kết song phương và đa phương giữa lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và các nước láng giềng, các nước trong khu vực; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần duy trì và phát triển quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội với các nước trong khu vực.
Tại hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh phối hợp trong công tác chia sẻ thông tin; triển khai hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tạo điều kiện quảng bá thông tin và cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại./.
Theo Hằng Trần (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/danh-136-ty-dong-cho-chuong-trinh-xuc-tien-thuong-mai-quoc-gia-2020/614810.vnp