Ông Lưu Đức Huy - vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) - cho biết từ ngày 1-11-2020, sẽ chính thức chấm dứt sử dụng hóa đơn giấy và chuyển sang dùng hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi cả nước.
Tại siêu thị, hóa đơn điện tử là giấy tính tiền được in ra từ máy có kết nối chuyển dữ liệu về cơ quan thuế - Ảnh: T.T.D.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huy nói:
- Điểm lưu ý là người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải xuất HĐĐT cho người mua bất kể trị giá hàng hóa, dịch vụ là bao nhiêu.
“Một trong những nội dung bắt buộc của hóa đơn điện tử là thông tin kê khai trên hóa đơn phải có tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) của người mua. Nếu mua hàng mà không kê khai đủ thông tin như họ tên, địa chỉ... thì không đáp ứng đủ điều kiện để xuất hóa đơn.
Ông LƯU ĐỨC HUY (vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục Thuế)
Dưới 200.000 đồng cũng phải lấy hóa đơn
* Mức tiền phải xuất HĐĐT là bao nhiêu, thưa ông?
- Theo quy định tại nghị định 119 năm 2018 về HĐĐT, từ ngày 1-11 năm sau, đã bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là phải xuất hóa đơn. Do đó, quy định như hiện nay là trị giá hàng hóa dưới 200.000 đồng mới phải xuất hóa đơn sẽ bị bãi bỏ.
Nếu người bán cố tình không xuất hóa đơn thì người mua phải yêu cầu người bán phải xuất hóa đơn cho mình, nếu không, khi cần người tiêu dùng hãy từ chối dịch vụ, hàng hóa.
Thời điểm xuất hóa đơn được quy định rất rõ là khi chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó cho người mua, không phân biệt việc thu hay chưa thu tiền.
Điểm lưu ý của HĐĐT là ngoài những thông tin người bán hàng, đơn vị bán, địa chỉ, số điện thoại, ngày giờ bán hàng... thì phải có chữ ký số của người bán. Nếu hóa đơn không có chữ ký của người bán thì chưa phải hợp lệ, không có giá trị.
Thế nên, không có chuyện hẹn trả hóa đơn sau vài ngày hay không cung cấp hóa đơn cho người mua.
Hai bên có thể thỏa thuận thời điểm chuyển hóa đơn nhưng quan trọng là hóa đơn phải lập và ký đúng thời điểm giao hàng. Không phải do người mua không cần lấy hóa đơn ngay nên lúc nào lập và xuất hóa đơn cũng được.
Trước khi xuất cho người mua, người bán phải truyền hóa đơn này lên hệ thống điện tử của cơ quan thuế để lấy mã xác thực. Qua đó, cơ quan thuế theo dõi doanh thu cũng như việc kê khai và nộp thuế của người cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Ông Lưu Đức Huy (vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục Thuế) - Ảnh: Tuổi Trẻ
Hộ kinh doanh cũng phải áp dụng
* Đối tượng hộ kinh doanh nhỏ lẻ mới nhiều, họ cũng phải áp dụng HĐĐT?
- Trên thực tế, phần lớn các hộ kinh doanh nhỏ, nhất là ở các chợ đều không có máy tính nên việc phát hành HĐĐT kết nối với cơ quan thuế là khó khăn.
Chính vì vậy, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu phối hợp với các công ty cung cấp các ứng dụng phần mềm để các hộ kinh doanh chỉ cần có điện thoại thông minh để tải phần mềm, app về để khởi tạo HĐĐT.
* Người tiêu dùng sẽ nhận HĐĐT như thế nào, thưa ông?
- Bên bán và bên mua hàng hóa, dịch vụ sẽ thỏa thuận để lựa chọn phương thức giao, nhận HĐĐT như qua email, fax, tin nhắn...
Hiện nay, phần đông người dân sử dụng điện thoại thông minh, iPad có truy cập Internet. Nên HĐĐT có thể gửi theo dạng tin nhắn qua điện thoại hoặc qua email.
Còn đối với hàng hóa tiêu dùng ở siêu thị, cửa hàng thuốc tân dược... hay các dịch vụ lưu trú khách sạn, nhà hàng... thì HĐĐT là giấy tính tiền được in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu về cơ quan thuế.
Người mua sẽ nhận giấy này thay vì HĐĐT được gửi vào email, fax, tin nhắn qua điện thoại thông minh...
thanh toán tiền tại một siêu thị ở quận 1, TP.HCM tối 15-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Người dân cần có thói quen nhận hóa đơn
* Khi mua hàng, đa phần người tiêu dùng hiện chưa có thói quen nhận hóa đơn. Làm sao khuyến khích thói quen này khi nhiều người bán chây ỳ không giao hóa đơn?
- Mỗi người tiêu dùng nên ý thức được việc nhận hóa đơn là quyền lợi, trách nhiệm của mình.
Trường hợp người bán hàng không xuất hóa đơn thì người mua phải yêu cầu. Thậm chí người mua cần thông báo, phản ánh cho cơ quan thuế quản lý trên địa bàn biết. Chắc chắn cơ quan thuế sẽ chấn chỉnh, xử phạt tùy theo mức độ vi phạm.
Với HĐĐT, người mua sẽ thuận tiện hơn trong việc lưu trữ mà không sợ thất lạc, nhàu nát như hóa đơn giấy lâu nay. Khi cần tra cứu, minh bạch thông tin thì luôn sẵn có.
Với doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, các chi phí mua bán sẽ thể hiện trên hệ thống của ngành thuế để phục vụ kê khai khi tính số thuế phải nộp.
Tỉ lệ doanh nghiệp tại TP.HCM sử dụng hóa đơn điện tử tính đến tháng 11-2019 - Dữ liệu: A.HỒNG - Đồ họa: N.KH.
* Nếu người mua hàng không có email, fax... thậm chí họ không muốn khai báo thông tin cá nhân để làm HĐĐT thì làm thế nào?
- Nếu người mua không muốn nhận hóa đơn thì người bán vẫn phải xuất HĐĐT. Khi nào khách hàng cung cấp phương thức nhận HĐĐT thì chuyển cho họ. Người bán cung cấp số hóa đơn cho khách hàng để khi cần thiết có thể lên hệ thống của cơ quan thuế để tra cứu.
Trong quy định, người bán phải xuất hóa đơn nên dần dần hi vọng người mua sẽ có thói quen lấy hóa đơn.
* Việc sử dụng HĐĐT có chống được gian lận, thất thoát thuế hay không?
- Chúng ta không hi vọng HĐĐT là chìa khóa vạn năng, có thể chống được tuyệt đối việc gian lận, trốn thuế. HĐĐT giúp quản lý tốt hơn và tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ hóa đơn của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ở nhiều nước, như Nhật cũng chưa có lộ trình áp dụng HĐĐT nhưng việc trốn thuế bị xử phạt rất nghiêm. Nếu doanh nghiệp nào bị xử phạt về tội trốn thuế thì gần như mất uy tín với thị trường.
Sau khi khách mua hàng, nhân viên đưa tờ phiếu chứng nhận thanh toán để khách ký (trả bằng thẻ tín dụng) và hóa đơn - Ảnh: MỸ YẾN Mua mớ rau cũng lấy hóa đơn điện tử * Liệu bán mớ rau, con cá cũng phải xuất HĐĐT? - Nguyên tắc là như vậy. Nghị định 119 quy định từ tháng 11-2020, người bán hàng, cung cấp dịch vụ phải xuất HĐĐT dù trị giá hàng hóa, dịch vụ là bao nhiêu. Hiện ngành thuế đang nỗ lực triển khai xây dựng và hoàn thiện ứng dụng để hỗ trợ việc cấp HĐĐT có mã của cơ quan thuế. Ngành thuế vẫn đang mở rộng đối tượng đáp ứng đủ điều kiện sử dụng. Những cơ sở kinh doanh như nhà hàng, cửa hàng bán đồ tiêu dùng, cửa hàng thuốc tân dược, siêu thị... có điều kiện hạ tầng Internet, máy tính tiền sẽ áp dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. Máy tính tiền sẽ kết nối với hệ thống của cơ quan thuế. |
Đã lùi thời hạn chót? Tại buổi đối thoại mới đây giữa Cục Thuế TP.HCM và doanh nghiệp (DN), Cục Thuế TP cho biết DN ở Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn phải hoàn thành triển khai HĐĐT trong năm 2019. Hiện nay, những DN thành lập từ ngày 1-11-2018 buộc phải dùng HĐĐT. Ông Nguyễn Văn Thiện, trưởng phòng tuyên truyền Cục Thuế TP.HCM, cho biết hiện nay HĐĐT đã rất phát triển, việc lấy hóa đơn để ghi nhận chi phí như DN là không quá phức tạp.Theo lộ trình thực hiện HĐĐT sau ngày 1-11-2020, hóa đơn giấy sẽ chính thức bị khai tử, thay thế vào đó là HĐĐT. Theo ông Thiện, tuy quy định là vậy nhưng hiện nay Chính phủ đã khuyến khích DN sử dụng HĐĐT càng sớm càng tốt. Ông Lưu Đức Huy cũng xác nhận việc triển khai HĐĐT trên toàn quốc sẽ mất rất nhiều thời gian nên Luật quản lý thuế (sửa đổi) cho phép từ ngày 1-7-2022 sẽ thực hiện HĐĐT một cách triệt để. N.BÌNH |
Tiết kiệm chi phí Theo số liệu khảo sát của Tổng cục Thuế, chi phí cao nhất mà DN sử dụng hóa đơn tự in là khoảng 2.500 đồng/tờ hóa đơn. Chi phí cao nhất đặt in hóa đơn là 2.000 đồng/tờ hóa đơn. Như EVN, số lượng hóa đơn trung bình sử dụng mỗi năm là khoảng 283 triệu đồng. Chi phí hóa đơn tự in khoảng 420 đồng/hóa đơn, còn chi phí HĐĐT chỉ khoảng 292 đồng/hóa đơn. Với việc sử dụng HĐĐT, EVN tiết kiệm hơn 3 tỉ đồng/tháng, khoảng 36 tỉ đồng/năm. Hiện ngành điện, viễn thông, các cơ sở bán lẻ... đã sử dụng và phát hành HĐĐT. L.THANH |
Theo Lê Thanh/Tuổi trẻ (thực hiện)
https://tuoitre.vn/khai-tu-hoa-don-giay-20191216080455735.htm