Bộ Tài chính nghiên cứu nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30%, thay vì 20% như quy định tại Nghị định 20.
Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây là điều khoản gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong suốt thời gian từ 2017 đến nay, khiến không ít doanh nghiệp phải nộp thêm hàng trăm tỷ tiền thuế mỗi năm.
Sau 2 năm kiến nghị của doanh nghiệp, quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ này mới được nghiên cứu sửa đổi.
Theo đó, tại dự thảo này, Bộ Tài chính đã nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30%, thay vì 20% như quy định tại Nghị định 20.
Cụ thể, tổng chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ của người nộp thuế (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng (+) chi phí lãi vay thuần cộng (+) chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.
Trường hợp tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay thuần cộng chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế nhỏ hơn hoặc bằng 0, chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ được chuyển toàn bộ và liên tục vào chi phí lãi vay thuần được để xác định thu nhập chịu thuế của 5 năm tiếp theo theo quy định xác định lỗ và chuyển lỗ của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Giải thích về việc khống chế chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, để tránh việc đánh thuế trùng, OECD khuyến nghị các nước cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng từ 10 - 30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay (EBITDA).
Sau khi cân nhắc mức ngưỡng cụ thể nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc nâng khống chế 30% là phù hợp với thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2019 trở đi.
Tuy nhiên, dự thảo không đề cập đến kiến nghị của nhiều doanh nghiệp là thời điểm áp dụng cần hồi tố về thời điểm 2017 khi ban hành Nghị định. Bởi vì riêng tiền thuế 2017 và 2018 cũng khiến doanh nghiệp “sống dở chết dở”. Phương pháp có thể cho khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm.
Trước đó, như VietNamNet đã có loạt bài phản ánh, nội dung khống chế chi phí lãi vay được trừ tại Nghị định 20 gây nhiều tranh cãi vì “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.
Có nghĩa, doanh nghiệp A. hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con có lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí là 100 đồng thì tổng chi phí lãi vay không được quá 20 đồng. Nếu vượt quá mức này thì chi phí lãi vay đó không được tính là chi phí hợp lệ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp..
Theo Hoài Nam/ Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/nghi-dinh-20-599224.html