Bộ Công Thương khẳng định: Vào dịp Tết Nguyên đán, giá mặt hàng thịt lợn có thể tiếp tục tăng nhưng không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Bộ Công Thương khẳng định giá thịt lợn tăng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, nhưng không đột biến. Ảnh: Kh.L
Theo Tổng cục Thống kê, đàn lợn cả nước tháng 11.2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng. Đồng thời, Tổng cục Thống kê cũng dự báo những tháng cuối năm (quý IV), nguồn cung thịt lợn thiếu hụt khoảng 200.000 tấn.
Theo phân tích của các chuyên gia thị trường, thời gian đầu khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, người tiêu dùng chưa có thông tin đầy đủ nên nhu cầu tiêu thụ giảm. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này đã bình thường trở lại và như thường lệ sẽ có xu hướng tăng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán (tăng mạnh nhất trong tháng 1.2020).
Mặc dù việc giảm nguồn cung thịt lợn đã được bù đắp một phần từ các loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò, thủy sản và nguồn nhập khẩu tăng nhưng nhìn chung theo tập quán tiêu dùng của người Việt Nam, nhu cầu thịt lợn vào dịp Tết vẫn cao, do đó cân đối cung cầu mặt hàng này từ nay đến Tết Nguyên đán còn nhiều vấn đề cần được quan tâm xử lý.
Trong thời gian tới, do dịch tả lợn Châu Phi đã qua giai đoạn đỉnh, tình hình dịch bệnh và số lượng lợn bị bệnh, tiêu hủy đã giảm dần nên đã có một số nơi được phép tái đàn trở lại. Đồng thời, với giá thịt lợn cao cũng khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, do vậy cũng sẽ giúp bù đắp một phần thiếu hụt trong thời gian tới. Ngoài ra, do giá thịt lợn trong nước đang ở mức cao nên các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẽ nhập khẩu thịt lợn an toàn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ giảm áp lực cho nguồn cung trong nước.
Như vậy, giá thịt lợn có thể tăng, nhưng không đột biến bất thường nếu công việc tái đàn tốt và dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả.
Theo Bộ Công Thương, đến thời điểm này cho thấy, nguồn cung cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng do hiện nay các bộ, ngành địa phương tích cực chỉ đạo sát sao các giải pháp để tăng nguồn cung cho thị trường; các hộ chăn nuôi, trang trại đang tập trung tái đàn an toàn để đưa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án cụ thể.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu, các đơn vị này có thể đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật.
Qua các buổi làm việc tại địa phương (Hà Nam, Đồng Nai, Hà Nội, TPHCM…), trên cơ sở đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ, Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thịt lợn tập trung chủ động nguồn hàng dự trữ đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc gián đoạn nguồn cung, triển khai các điểm bán hàng bình ổn nhằm dẫn dắt thị trường, tạo tâm lý ổn định cho thị trường các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn.
Đánh giá sơ bộ cho thấy, nguồn hàng mặt hàng thịt lợn cung cấp cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý sẽ không thiếu, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo L.V/Lao động
https://laodong.vn/thi-truong/gia-thit-lon-se-khong-tang-dot-bien-trong-dip-tet-nguyen-dan-771918.ldo