Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT ) dự báo thịt lợn những tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn, giá vẫn tăng cao. Để đảm bảo cung-cầu dịp Tết, Việt Nam có thể nhập khẩu thịt lợn từ 24 quốc qua có thương mại hai chiều, nhưng trừ Thái Lan và Campuchia.
>>Giá thịt lợn lên đỉnh, kéo các mặt hàng làm từ thịt lợn "nhảy múa" theo
>>Giá thịt lợn tăng kỷ lục: Tiểu thương "khóc ròng" vì lỗ nặng, nhiều người nghỉ bán
>>“Bão giá” thịt lợn gia tăng, Chính phủ quyết định nhập khẩu “bù” thiếu hụt
Vấn đề nói trên được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều qua (2/12). Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cùng đã cùng thông tin về tình hình thiếu hụt thịt lợn, giá cả leo thang.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn do trong năm xảy ra dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương trên cả nước.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT (ảnh: Mạnh Thắng)
Về tình hình này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại. Ban Bí thư và Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo sát sao để giảm thiểu thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi ở mức thấp nhất có thể.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, dịch tả lợn châu Phi đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay, số lợn buộc tiêu huỷ là 152.000 con, giảm 65% so với tháng 10/2019 và giảm 88% so với tháng 5/2019-là tháng cao điểm; đã có hơn 60% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó có 14 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.
“Trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu là 54.000 tấn. Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý tới đây, có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và đảm bảo hải hoà lợi ích giữa các bên.” - ông Tiến cho hay.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định coi thịt lợn là những mặt hàng thiết yếu cần phải đảm bảo thị trường, nhất là trong dịp cuối năm và dịp Tết cổ truyền. Do dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung trong nước bị giảm, giá thịt lợn trong nước tăng cao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
“Đến giờ phút này nếu chúng ta không cẩn trọng, tới dịp Tết và cả sau Tết thì vẫn là vấn đề rất lớn, không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân mà còn đến cả chỉ số giá tiêu dung (CPI) sự ổn định của nền kinh tế. Với Trung Quốc, chúng ta đã biết là giá thịt lợn vào tháng 9-10 tăng 100% so với cùng kỳ năm 2018, ảnh hưởng đến 1% của CPI Trung Quốc.” - ông Hải nêu rõ.
Trong đảm bảo về cung-cầu thịt lợn, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ NN&PTNT, với các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM - những nơi chăn nuôi nguồn lợn lớn nhất của Việt Nam như Đồng Nai, Hà Nam và một số tỉnh, thành phố khác để nắm được tình hình.
“Chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các địa phương, nhất là các địa phương biên giới ở phía bắc và cả phía tây nam để ngăn chặn việc đưa lợn sang nơi khác, ảnh hưởng đến giá cả và thịt lợn ngày càng thiếu hụt.” - ông Hải cho biết và lưu ý việc quan trọng là kiểm soát lợn từ Thái Lan và Campuchia vào Việt Nam.
Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Công Thương, mặc dù Việt Nam thiếu thịt lợn nhưng trong số 24 quốc gia cho phép nhập khẩu thịt lợn lại không có hai quốc gia này, vì vậy nếu lợn vào Việt Nam dễ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và khả năng dịch bệnh.
Theo Châu Như Quỳnh/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ca-nuoc-thieu-200000-tan-thit-lon-an-tet-bao-gia-tiep-tuc-can-quet-20191202233859370.htm