Ngân hàng Nhà nước bỏ quy định cấm ví điện tử giao dịch quá 20 triệu đồng/ngày, nhưng vẫn yêu cầu nạp tiền vào ví điện tử phải qua tài khoản ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 23 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
Theo đó, Thông tư mới yêu cầu khách hàng mở ví điện tử phải cung cấp các thông tin cá nhân định danh như: CMND hoặc thẻ căn cước, hộ chiếu…
Đáng lưu ý, thông tư bỏ quy định trước đó là thay vì cấm người dùng cá nhân giao dịch qua ví điện tử quá 20 triệu đồng/ngày thì giờ chỉ chốt tổng hạn mức giao dịch 100 triệu đồng/tháng.
NHNN đã bỏ quy định ví điện tử không được giao dịch quá 20 triệu đồng/ngày. (Ảnh minh họa: KT)
Thông tư vẫn yêu cầu người dùng muốn nạp tiền vào ví điện tử phải thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ATM của khách hàng là chủ ví điện tử, nhận tiền từ ví khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví mở.
Khách hàng bị nghiêm cấm việc dùng ví để thực hiện các giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; nghiêm cấm việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví…
Trước đó, ban soạn thảo Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc yêu cầu người dùng ví điện tử phải có hồ sơ, thông tin cá nhân nhằm định danh là cần thiết để tránh phát sinh sự cố, tránh rủi ro vì ví điện tử có sử dụng sim rác. Các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán có thể thu thập thông tin, hồ sơ định danh khách hàng qua nhiều kênh khác nhau./.
Theo Chung Thủy/VOV.VN