Sau 1 thời gian ở mức “chết” (12.000-14.000 đồng/kg), giá gà lông trắng đã bất ngờ tăng giá lên mức 37.000-40.000 đồng/kg.
Giá gà công nghiệp lông trắng đang tăng, người chăn nuôi bắt đầu có lãi. Ảnh: PV
Theo chủ một số trang trại chăn nuôi gà công nghiệp tại Đồng Nai, giá gà công nghiệp lông trắng trong 3 ngày qua đã bất ngờ tăng lên mức 37.000-40.000 đồng/kg. Giá gà tăng đã giúp người chăn nuôi bắt đầu có lãi sau một thời gian khá dài bị thua lỗ. "Giá thành chăn nuôi hiện nay khoảng 25.000-27.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi bắt đầu có lãi" - ông Nguyễn Văn Kiệm, hộ chăn nuôi gà tại Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết.
Theo ông Hoàng Kim Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, tại Hà Nội, sau khi dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi chuyển sang nuôi gà. Hiện nay, tổng đàn gà của Hà Nội có khoảng 23,5 triệu con, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Việc tăng đàn này đã khiến một giai đoạn giá gà công nghiệp giảm thấp hơn khiến nông dân thua lỗ. Tuy nhiên, số lượng gà nhiều như trên cũng đã góp phần kìm giá gà công nghiệp lông trắng tăng sốc trong 3 ngày qua.
Hiện nay, giá gà công nghiệp tăng cao đã giúp người nông dân bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, giá gà chỉ tăng ở khu vực phía Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ, còn giá gà tại miền Bắc chỉ tăng nhẹ do thời gian vừa qua giá tại khu vực này không giảm nhiều.
Về vấn đề giá gà tăng cao trong khi giá thịt lợn đang neo ở mức 140.000-170.000 đồng/kg (tùy loại) cũng khiến người lo ngại sẽ tác động tiêu cực đến mức sống của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng nhiều luồng ý kiến cho rằng, gà công nghiệp là giống ngắn ngày, chỉ khoảng 1-2 tháng đã cho xuất chuồng nên không lo nguồn cung thiếu đẩy giá lên cao.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng cho hay, hiện nay thịt gà nhập khẩu cũng đã được nhập về kho đông lạnh rất nhiều., trong 10 tháng qua, có trên 110 nghìn tấn thịt gà được nhập khẩu vào Việt Nam. Đây chính là nguồn cung bổ sung nhằm kìm bớt giá thịt gà bởi hiện nay, giá gà công nghiệp nhập khẩu chưa đến 20.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Hải quan, gà nhập khẩu tập trung vào hai loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt, chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà; trong đó, đùi gà chiếm tỉ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%); tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%), các bộ phận khác (5,8%).
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thịt gà từ Hoa Kỳ - là thị trường lớn nhất, chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu; Brazil: 13,1%, Hàn Quốc: 12,3%...
Năm 2019, Việt Nam dự kiến nhập khẩu khoảng 150.000 tấn thịt gà. Đặc biệt, trong cơ cấu thịt gà nhập khẩu, thịt gà đùi được nhập nhiều với sản lượng khoảng 90 nghìn tấn. Đây là loại thịt gà nhập khẩu tiêu thụ tốt nhất trong số thịt gà nhập khẩu, nêm có khả năng cạnh tranh với thịt gia cầm trong nước.
Như vậy, với các yếu tố như: Vòng sản xuất ngắn, tổng đàn lớn, số lượng thịt gà nhập khẩu cao... sẽ không lo nguồn cung thịt gà thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bộ NNPTNT khẳng định tiếp tục theo dõi sát tình hình chăn nuôi gia cầm, gia súc các loại, tái cơ cấu ngành chăn nuôi với mô hình tập trung và hiện đại, đảm bảo sản xuất theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng dư thừa, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trong nước, đồng thời tiếp tục đàm phán để thị trường các nước mở cửa với sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. |
Theo L.V/Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/ga-cong-nghiep-bat-ngo-len-muc-40000-dongkg-tet-nay-gia-thit-ga-ra-sao-767531.ldo