Theo đánh giá của giới chuyên gia, cùng với sự phát triển công nghệ 4.0, hành vi, thói quen mua sắm qua các kênh thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Việc các doanh nghiệp tập trung vào “mảnh đất” này là xu thế tất yếu, tuy nhiên, hình thức phân phối hàng hóa này còn nhiều bỡ ngỡ, đứng trước nhiều nguy cơ, rủi ro về hàng giả, nhái, kém chất lượng…
Doanh nghiệp bán lẻ phải đi đầu
Trong những năm gần đây, đặc biệt, giai đoạn 2018 đến 2020 ghi nhận sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, cuộc cạnh tranh giữa các kênh bán hàng hiện đại và truyền thống cũng diễn ra khốc liệt không kém.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn tại Việt Nam đã chủ động nắm bắt xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi phương thức bán hàng sang hoạt động thương mại điện tử, qua đó, nâng cao sức cạnh tranh.
Cụ thể, hai hệ thống bán lẻ là FPT Shop và F.Studio by FPT thuộc Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã đầu tư mạnh vào thương mại điện tử nhiều năm qua. Kết quả của hoạt động đón đầu xu hướng bán hàng, năm 2018, doanh thu thương mại điện tử của công ty đã tăng trưởng 21%.
Hành vi, thói quen mua sắm, đặt hàng của người tiêu dùng đang dần thay đổi sang các kênh trực tuyến.
Không chỉ FPT, một đơn vị khác là Tập đoàn Sunhouse, từ 2015, đã đầu tư cho kênh thương mại điện tử với wesite sanhangtot.com. Hiện nay, Sunhouse đã sở hữu hơn 60 nghìn điểm bán lẻ, ngoài ra, mức tăng trưởng kênh thương mại điện tử lên đến 150 - 200%/năm.
Nói về định hướng kinh doanh trên nền tảng online, đại diện Tập đoàn Sunhouse không ngần ngại khẳng định sẽ đầu tư mạnh hơn để mảng này có tỷ trọng đóng góp tương xứng trong mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2020.
Theo nghiên cứu, khảo sát trên 30 quốc gia của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, doanh số bán hàng trực tuyến tiêu dùng nhanh đang tăng gấp 5 lần doanh số bán hàng tại các cửa hàng.
Ngoài ra, Cty này cũng dự báo, vào năm 2020, thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh toàn cầu sẽ có doanh thu hơn 400 tỷ USD. Ngoài ra, doanh số bán hàng từ kênh thương mại điện tử của ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ chiếm 10-12% tổng thị phần của ngành hàng này.
Cũng theo đánh giá từ Nielsen, người tiêu dùng Việt nói riêng và ở thị trường châu Á nói chung vẫn thích việc mua sắm tại cửa hàng hơn là qua các kênh trực tuyến. Tuy nhiên, đây là thị trường tiềm năng để phát triển nhất là đối tượng người tiêu dùng tại các khu vực thành thị, trung tâm.
Tại Việt Nam, gần 50% số người tham gia khảo sát của Nielsen trả lời “đang sử dụng” hoặc “sẵn sàng sử dụng” các nền tảng thương mại điện tử, những dịch vụ tiện ích như giao hàng tận nhà để mua sắm những sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh.
Số liệu thống kê từ Công ty Nghiên cứu thị trường comScore cho thấy, lượng truy cập vào các trang web bán lẻ ở Việt Nam đạt tới 71% trong tổng số người dùng Internet được khảo sát. Trong đó, các website của ngành bán lẻ đứng thứ 3 trong số 5 lĩnh vực được người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm.
Ngoài ra, Báo cáo định kỳ ngành hàng tiêu dùng nhanh tại thị trường Việt Nam của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar cho biết thêm, tốc độ tăng trưởng kênh trực tuyến đang đặc biệt nổi trội.
Ước tính thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến tăng trưởng gấp gần bốn lần chỉ số tăng trưởng của thị trường tiêu dùng nhanh truyền thống.
Cần biết cách khai thác
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, hiện nay, tại Việt Nam có hơn 50% dân số truy cập internet di động, mạng xã hội. Do đó, các kênh thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá và phân phối sản phẩm.
Theo Tiến sĩ Thành, hiện nay, người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ như đồng hành cùng các thiết bị di động, mạng xã hội và đã thích nghi với việc mua hàng trực tuyến.
Bên cạnh đó, không chỉ hoạt động mua sắm, các nền tảng khác tìm kiếm và đặt chỗ, dịch vụ giao đồ, thuê nhà, đặt chỗ khám bệnh, online… cũng có thể giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng và nâng cao trải nghiệm tiện lợi cho người tiêu dùng.
Nhiều chủ trang trại nông nghiệp cũng đang dần tiếp cận với các kênh thương mại điện tử.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, trước xu hướng tiêu dùng đa kênh như hiện nay, thương mại điện tử là mảnh đất “màu mỡ” cho các doanh nghiệp Việt, tuy nhiên, chưa nhiều đơn vị biết cách khai thác.
Theo đại diện từ Bộ Công Thương, việc phát triển phân phối hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử còn nhiều bỡ ngỡ, dễ vấp phải những yếu tố hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Do đó, theo đánh giá của ông Hoàng, để thương mại điện tử phát triển, cần nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp địa phương và khu vực nông thôn cần thay đổi thói quen tập quán kinh doanh, tiêu dùng từ phương thức truyền thống sang hướng hiện đại, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, ông Hoàng cũng chia sẻ thêm, hiện nay, vấn đề bất cập trong hoạt động quản lý của nhà nước về lĩnh vực này nằm ở chỗ, chúng ta đã có những Nghị định liên quan tới một số lĩnh vực trong hoạt động thương mại điện tử như Nghị định 165/2018/NĐ-CP, Nghị định 119/2018/NĐ-CP… Tuy nhiên, vẫn chưa có Luật về thương mại điện tử.
Để định hình xu hướng phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới, theo đánh giá từ đại diện Bộ Công Thương cần hoàn thiện khung pháp lý cho thương mại điện tử. Vừa tạo điều kiện, hướng dẫn doanh nghiệp hoạt động đúng khuôn khổ của pháp luật, bên cạnh đó, có chế tài xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm.
Theo Thanh Phong/Dân Việt
http://danviet.vn/kinh-te/manh-dat-thuong-mai-dien-tu-ngay-cang-mau-mo-doanh-nghiep-viet-khai-thac-the-nao-1033875.html