10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đạt thặng dư thương mại khoảng 9 tỷ USD - mức cao nhất kể từ khi cán cân đổi chiều năm 2012.
Theo dữ liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất nhập khẩu nửa cuối tháng 10 đạt 24,7 tỷ USD, tăng 3,74 tỷ USD so với 15 ngày đầu tháng.
Nhờ đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sau 10 tháng đạt 428,6 tỷ USD, tăng 8%, tương đương tăng 31,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 218,8 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị nhập khẩu khoảng 209,8 tỷ USD. Như vậy, tính đến hết tháng 10, Việt Nam xuất siêu khoảng 9 tỷ USD. Đây cũng là mức thặng dư thương mại cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Theo thống kê của Hải quan, trước năm 2012, Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu. Từ năm 2012 đến nay (trừ năm 2015), cán cân thương mại bắt đầu đổi chiều, thặng dư thương mại gia tăng.
Tổng cục Hải quan cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 149,83 tỷ USD, tăng 4,8% (tương ứng tăng 6,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 68,5% tổng trị giá xuất khẩu. Các nhóm hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may...
Về nhập khẩu, giá trị của các doanh nghiệp FDI đạt 121,3 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Con số này chiếm gần 58% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam. Nửa cuối tháng 10, các nhóm hàng nhập khẩu tăng mạnh gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 253 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 250 triệu USD; than các loại tăng 115 triệu USD; ngô tăng 91 triệu USD...
Theo Anh Tú/VnExpress
https://vnexpress.net/kinh-doanh/viet-nam-xuat-sieu-ky-luc-4014737.html?