Giá heo hơi tăng gấp đôi kéo theo giá bán các loại thịt đến tay người tiêu dùng cũng tăng tới 30 - 60%, làm bữa cơm nhiều gia đình xáo trộn.
Chị Lan - tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) - cho biết giá thịt heo tăng khiến việc buôn bán khó khăn hơn, người dân thấy quá đắt nên không dám mua - Ảnh: MAI THƯƠNG
Giá bán các món ăn chế biến từ thịt heo cũng liên tục được điều chỉnh khi giá đầu vào tăng nhanh.
Mức tăng kinh ngạc
Bà Vũ Hoàng Oanh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) giật mình khi nghe tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi báo giá thịt ba rọi từ 80.000 đồng/kg hồi tuần trước đã tăng lên 120.000 đồng/kg, sườn non tăng thêm 50.000 đồng, lên 240.000 đồng/kg.
"Cũng biết thịt heo tăng giá do dịch bệnh nhưng không nghĩ giá tăng cao như vậy. Cứ đà này, đến gần tết giá sẽ còn nhảy múa ra sao? Mấy năm trước thịt heo cũng có vài đợt sốt giá nhưng chưa bao giờ mức tăng cao như hiện tại" - bà Oanh nhận xét.
Giá thịt heo bán ra tại các chợ ở nhiều khu vực TP.HCM nhiều ngày qua tăng đều. Giá thịt heo bán lẻ tại chợ Tân Định (Q.1), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp) ngày 15 và 16-11 ở mức như thịt nạc, thịt đùi, thịt nách, cốt lết từ 120.000 - 140.000 đồng/kg tùy loại.
Trong khi đó, thịt ba rọi và ba rọi rút sườn được nhiều nơi bán ra ở mức 160.000 - 190.000 đồng/kg, thậm chí sườn non đều có giá trên 200.000 đồng/kg. Mức giá này theo nhiều tiểu thương tăng 10 - 20% so với giữa tháng 10 và gần gấp đôi so với mức giá trung bình của tháng 6-2019 - thời điểm giá heo xuống thấp do dịch tả heo châu Phi.
Theo ghi nhận, giá tăng cao khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo có xu hướng giảm, đặc biệt tại các chợ lẻ lượng thịt heo bán ra được nhiều tiểu thương cho biết giảm 15 - 30% so với thời điểm giá thấp. Anh Ngô Quốc Đạt - tiểu thương tại chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) - cho biết sợ "ế" nên phải giảm nhập heo, nhờ vậy cuối buổi chợ không còn hàng tồn.
Theo thông tin từ chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền (TP.HCM), giá heo bán ra tại chợ trong khoảng 3 ngày qua tương đối ổn định. Theo đó, heo mảnh (đã mổ) ở mức 95.000 đồng/kg loại 1, 88.000 đồng/kg loại 2 và heo nái 60.000 đồng/kg; heo pha lóc đạt mức 85.000 - 95.000 đồng/kg đùi rọ, nạc dăm 98.000 đồng/kg, ba rọi 110.000 đồng/kg, cốt lết 85.000 - 92.000 đồng/kg, sườn non 150.000 - 160.000 đồng/kg. Mức giá này đã tăng 10.000 - 13.000 đồng/kg tùy loại so với khoảng một tháng trước đó và gần gấp đôi so với giữa năm nay, được xem là kỷ lục trong nhiều năm qua.
Diễn biến giá heo hơi trong năm 2019 - Đồ họa: T.ĐẠT
Cứ thế này còn gì là cơm bình dân!
Bà Hạnh (Q.Thủ Đức) cho biết bình thường mỗi ngày đi chợ bà chỉ chi khoảng 70.000 - 80.000 đồng cho 1kg thịt heo, nhưng từ tháng 10 đến nay cũng với lượng thịt như vậy phải tốn 110.000 - 130.000 đồng, thậm chí ăn thịt ngon phải hơn 150.000 - 170.000 đồng.
"Thịt heo là món ăn quen thuộc nên cùng lắm chỉ giảm chứ không thể bỏ để thay thế các món khác được. Giá tăng quá nhanh khiến bà nội trợ phải đắn đo nhiều" - bà Hạnh than thở.
Theo bà Ngô Thu Trang (Q.Thủ Đức), mỗi đĩa cơm tấm sườn bình thường có giá bán 25.000 - 30.000 đồng, nhưng nay sườn mua vào lên 140.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng, buộc bà phải tăng giá bán lên 30.000 - 35.000 đồng/đĩa. Tuy nhiên, dù tăng giá nhưng theo bà Trang, do "chia sẻ" với khách nên mức giá mới vẫn còn chưa tương xứng với giá tăng của thịt heo.
Bán hủ tiếu tại Q.Bình Thạnh nhiều năm nay, theo anh Minh, do giá thịt heo tăng liên tục buộc lòng phải tăng giá bán từ 15.000 - 25.000 đồng/tô lên 20.000 - 35.000 đồng/tô mới có lời. Nhiều người nói rằng cứ tăng thế này còn gì là cơm bình dân!
Hộ nuôi heo ở ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Có hiện tượng làm giá?
Theo Cục Chăn nuôi, giá heo hơi thời gian qua tăng nóng nhưng giá lên đến gần 80.000 đồng/kg là hiện tượng đơn lẻ và có dấu hiệu bị làm giá. Các công ty chăn nuôi lớn vẫn bán ra với giá 65.000 - 66.000 đồng/kg và nguồn cung không giảm. Vì vậy, giá bị đẩy ra bên ngoài là không đại diện cho thị trường và cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để tránh tình trạng làm giá.
Tính đến nay, cả nước tiêu hủy 5,8 triệu con heo tương đương hơn 300.000 tấn thịt hơi, chiếm 8,5% tổng lượng heo hơi cả nước. Do đó, nguyên nhân chính giá heo hơi tăng quá cao không phải do thiếu hụt nguồn cung mà có vấn đề trong lưu thông và khâu thông tin.
Nhưng ông Nguyễn Trí Công - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - không đồng ý với nhận định này của Cục Chăn nuôi. Bởi nguồn heo trong các hộ nuôi nhỏ lẻ đã rất khan hiếm nên thương lái phải trả giá cao cho các đầu mối mua được heo từ các công ty chăn nuôi lớn, tạo ra chênh lệch giá giữa giá công ty bán ra và thị trường bên ngoài.
Ngoài ra, số heo tiêu hủy vì dịch tả heo châu Phi mà Bộ NN&PTNT đưa ra là số báo cáo, thực tế cao hơn. Do chính sách đền bù chỉ dành cho nông dân, vì thế các công ty không khai báo số heo bị tiêu hủy.
"Đồng Nai là thủ phủ của chăn nuôi heo phía Nam với các trang trại lớn cũng đã công bố tổng đàn giảm tới 50%, vì vậy con số chỉ có 8% tiêu hủy là lạc quan. Muốn giải quyết được tình trạng giá heo nóng, phải thống kê được tổng đàn hiện tại để đánh giá thiếu bao nhiêu, qua đó có biện pháp phù hợp" - ông Công nói.
Thịt heo có nguồn gốc xuất xứ Tây Ban Nha được bán ở Mega Market, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo đại diện một công ty cung cấp heo mảnh tại Đồng Nai, cơ quan chức năng cần làm việc với các đơn vị trung gian, công ty chăn nuôi để tìm hiểu giá bán, đường đi của heo hơi.
"Các công ty bán bao nhiêu heo cho ai, giá nào, ở đâu, có bán đi Trung Quốc, phải tìm hiểu để tránh tình trạng ghim heo chờ giá, lũng đoạn thị trường" - vị này cho biết.
Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Ngọc Hà - giám đốc Công ty San Hà (TP.HCM), vẫn có heo nhập khẩu cho thị trường trong nước để bình ổn nhưng mức giá tốt như mong muốn là không có. Theo bà Hà, giá thịt heo ở nước ngoài cũng đang tăng. Ngoài ra, Trung Quốc đang mua nhiều nên mức giá thịt heo nhập khẩu càng khá cạnh tranh.
"Giải pháp tốt nhất lúc này nên cho doanh nghiệp nhập khẩu nhanh để giải quyết thiếu hụt, bình ổn thị trường" - bà Hà nói.
Nhập khẩu thịt tăng mạnh Theo Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng đầu năm nay, VN đã nhập khẩu trên 74,2 triệu USD, tăng 4,62 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức thịt heo nhập khẩu lớn nhất từ trước đến nay và chưa tính đến một lượng khá lớn phụ phẩm heo nhập về làm thực phẩm. Cũng trong 9 tháng đầu năm, VN chi ra trên 1 tỉ USD để nhập khẩu các loại phụ phẩm sau giết mổ của gà, heo, trâu, bò, cừu... Ngoài ra, lượng thịt gà nhập khẩu (không tính phụ phẩm) trong khoảng thời gian nói trên cũng đạt xấp xỉ 200 triệu USD. Lượng trâu, bò nhập khẩu cũng tăng mạnh khi đạt 652 triệu USD. |
Giá cao do mua bán lòng vòng Theo ông Nguyễn Văn Hải (Tiền Giang) - thương lái nhập heo về chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), heo được nuôi tại công ty nhưng nếu mua trực tiếp hiện ở mức 68.000 - 70.000 đồng/kg tùy nơi, tùy loại, tuy nhiên mua qua trung gian có thể lên đến 73.000 - 74.000 đồng/kg. Ông Hải cho biết sở dĩ mức giá chênh nhau như vậy phần lớn do một bộ phận "thầu" nguồn heo của công ty khi bán ra và bán lại cho thương lái kiếm lời với giá chênh 2.000 - 3.000 đồng/kg, thậm chí hơn. Tương tự, theo ông Ngô Doanh (Đồng Nai) - thương lái nhập heo về chợ Hóc Môn (TP.HCM), thay vì đa số mua trực tiếp từ công ty như bình thường, hiện có đến 95% thương lái khu vực Đồng Nai muốn mua heo hơi từ các công ty buộc phải mua lại từ bộ phận trung gian - thầu. "Khi giá heo tăng cao, mỗi đầu thầu có thể mua heo hơi một lần vài trăm con, thậm chí hàng nghìn con từ các công ty. Với số lượng đầu cơ lớn, hầu hết các mối thầu này tự ra giá heo hơi bán lại cho thương lái với mức cao" - ông Doanh nói. |
Theo Trần Mạnh - Nguyễn Trí - Trần Vũ Nghi/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/gia-thit-heo-lam-dau-dau-ba-noi-tro-20191118233643568.htm