Biểu giá bán lẻ điện 5 bậc không gây tác động đến chỉ số CPI vì tổng chi tiêu hộ sinh hoạt không tăng, tiền điện nhiều hộ có mức giảm nhẹ.
Sau gần 5 năm thực hiện Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc vận hành hệ thống cung cấp và tiêu dùng điện đã đạt được những kết quả nhất định. Biểu giá điện đã tạo điều kiện cho việc điều hành giá bán điện công khai, minh bạch có tác dụng tích cực đến sản xuất kinh doanh và tiêu dùng điện.
Tuy nhiên cho đến nay, tính chất điều kiện về sản xuất kinh doanh, cung cầu, cơ cấu, mức độ tiêu thụ điện năng cũng như thu nhập của người tiêu dùng đã thay đổi và việc thực hiện lộ trình xây dựng, hoàn thiện các cấp độ thị trường điện thì biểu giá bán lẻ điện hiện hành đã xuất hiện những bất cập nhất định.
BIỂU GIÁ ĐIỆN 5 BẬC
PHÙ HỢP VỚI CÁC MỤC TIÊU ĐỊNH GIÁ
Việc đặt ra yêu cầu nghiên cứu, cải tiến biểu giá bán lẻ điện là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng yêu cầu của quản lý, sản xuất kinh doanh mà còn của cả yêu cầu của công luận xã hội nhằm khắc phục những bất cập của biểu giá điện hiện hành, thực hiện tốt hơn nữa chính sách giá điện đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh điện hợp lý, công bằng hơn về chi phí cho người dùng điện. Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện Việt Nam mới được công bố đã phần nào giải quyết những bất cập trong cách tính tiền điện sinh hoạt hiện nay.
“Biểu giá sinh hoạt bậc thang có 6 bậc đang được cho là quá nhiều bậc trong quá trình đo đếm tính toán hóa đơn tiền điện. Có quá nhiều đối tượng áp giá và mức giá gây khó khăn cho các đơn vị khi áp giá để ký kết Hợp đồng mua bán điện” PGS.TS. Bùi Xuân Hồi |
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Bộ môn Kinh tế Năng lượng, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - Chủ nhiệm Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện Việt Nam cho rằng, cơ cấu biểu giá điện bậc thang hiện tại không còn phù hợp với chi phí và chưa thực sự công bằng giữa các hộ tiêu dùng điện. Cơ cấu biểu giá hiện nay khó đảm bảo tài chính đặc biệt là cho các mục tiêu phát triển mở rộng hệ thống.
Đề xuất và phân tích 3 phương án cải tiến Biểu giá điện hiện hành, gồm Biểu giá điện 3 bậc thang, 4 bậc thang và phương án 5 bậc thang, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi cho hay, cả 3 phương án đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội và doanh thu của EVN giảm nhẹ. Mặc dù phương án 3 bậc triển khai thực tế sẽ đơn giản hơn 4 bậc và 5 bậc nhưng đây là phương án mà hộ từ 101-200 kWh sẽ trả chi phí tăng nhiều nhất.
Do vậy, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi đề xuất phương án Biểu giá điện 5 bậc phù hợp hơn cả với các mục tiêu định giá. Khi đó, hộ tiêu dùng bậc 101-200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án; việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay; 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo 5 bậc người tiêu dùng tại bậc 1 (<101kWh) sẽ phải trả thêm gần 2.800 đồng/tháng; bậc 2 (101-200kWh) sẽ trả thêm hơn 8.300 đồng/tháng. Trong khi đó ở các bậc tiêu dùng điện khác đều có mức trả thấp hơn từ 12.000 - 189.000 đồng/tháng. Biểu giá 5 bậc không gây tác động đến chỉ số CPI vì tổng chi tiêu hộ sinh hoạt không tăng, có mức giảm nhẹ; tuy nhiên, chi tiêu hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo của Chính phủ sẽ tăng khoảng 5,7 tỷ đồng/tháng và doanh thu của EVN sẽ có mức giảm nhẹ.
GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN BÌNH QUÂN
VẪN LÀ CÂU CHUYỆN “SINH TỬ”
Quan tâm đặc biệt đến phương pháp tính giá bán lẻ điện bình quân, GS.VS.TSKH. Trần Đình Long cho rằng, giá bán lẻ điện bình quân là một chỉ tiêu rất quan trọng và là câu chuyện “sinh tử” bởi nếu chỉ cần tăng giá trung bình của 1kWh điện thì doanh thu của EVN sẽ có mấy trăm nghìn tỷ đồng. Chính vì thế, việc xác định giá bán lẻ điện bình quân phải cực kỳ chuẩn xác và yếu tố này cần phải được tranh luận và làm rõ vì nó gắn với quyền lợi thiết thân của các bên.
GS.VS.TSKH. Trần Đình Long hài lòng với đề xuất phương án cải tiến biểu giá điện 5 bậc vì tương đối phù hợp với điều kiện của hệ thống điện Việt Nam. 5 bậc còn có tính hợp lý ở chỗ sẽ phân bố lượng điện tiêu thụ khá đồng đều, không nên chia quá nhỏ.
Cho rằng điện năng là loại hàng hóa đặc biệt nên nguồn cung phải luôn luôn cân bằng với cầu, PGS.TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho rằng, định giá của loại hàng hóa này dựa trên nguyên tắc ngoài việc đạt được mục tiêu vừa đảm bảo an sinh xã hội đảm bảo thị trường nhất định. Đặc biệt, nguyên tắc tính giá điện phải theo giờ cao điểm, giờ thấp điểm nhưng cần thiết quan tâm đến giá điện bình quân. Bởi lẽ, dư luận xã hội đòi hỏi tính minh bạch trong việc xác định giá điện bình quân một cách chính xác. Vấn đề gốc gác, cốt lõi của việc xây dựng cơ cấu biểu giá điện vẫn là phương pháp tính giá điện bình quân đã chuẩn hay chưa?.
Đánh giá cao Đề án cải tiến biểu giá điện sinh hoạt, song ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam vẫn cho rằng, đề án vẫn có gì đó chưa thoát khỏi Nghị định 28/2014 của Chính phủ, khi quá trình sắp xếp hệ số, hay còn gọi là bước nhảy của giá giữa từng bậc của giá thành so với bước nhảy của giá bán lẻ điện chưa thật sự gắn kết.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa đề nghị Đề án cần xem xét thêm khoảng cách về giá nên có mối quan hệ tương ứng với khoảng cách về lượng điện tiêu thụ giữa các bậc để đảm bảo tính hợp lý giữa lượng và giá. Ngay trong đợt điều chỉnh giá năm 2019 đã có vấn đề trong bước nhảy về lượng và tốc độ tăng sản lượng từng bậc khác với tốc độ tăng về giá của từng bậc, nên có những bậc đã tăng đến 24% nhưng lượng điện tăng không tương ứng nên gây ra hiện tượng số tiền điện phải trả quá cao.
THU HẸP CHU KỲ ĐIỀU CHỈNH
GIÁ ĐIỆN TĂNG “MỀM” TRÁNH GÂY SỐC
Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện Việt Nam mới được công bố đã đề xuất Luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá theo phương án 6 tháng/lần. Ngoài ra, luật hóa cơ chế điều chỉnh giá bằng các văn bản pháp lý của cấp có thẩm quyền công khai chu kỳ điều chỉnh giá. Nếu chu kỳ điều chỉnh giá mỗi năm 1 lần như hiện nay sẽ tạo áp lực lớn trong các lần điều chỉnh.
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi đề xuất, thời điểm điều chỉnh giá điện có thể được lựa chọn theo mùa mưa, mùa khô, đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biết về sản lượng. Kỳ điều chỉnh giá đề xuất sẽ vào các ngày 1/3 và 1/9 hàng năm. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá cũng có thể diễn ra bất thường, khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện.
Hoàn toàn đồng ý với đề xuất Luật hóa chu trình điều chỉnh giá điện, GS.VS.TSKH. Trần Đình Long cho rằng, khi thị trường điện thay đổi hàng ngày sẽ rất cần có chu kỳ điều chỉnh cho phù hợp. Đề xuất điều chỉnh 2 lần/năm là hợp lý. Khi đó, EVN đề xuất thời điểm điều chỉnh, các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xem xét, thông qua hoặc không thông qua.
Theo GS.VS.TSKH. Trần Đình Long, cần phải làm rõ cơ chế điều chỉnh giá, giá nguyên liệu đầu vào như thế nào? Tỷ giá ra sao và thời điểm điều chỉnh giá phải phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng ý với đề xuất Luật hóa thời điểm điều chỉnh giá điện 2 lần/năm, ông Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định, mức giá qua mỗi lần điều chỉnh giá điện hoàn toàn có thể tăng hoặc giảm tùy theo các yếu tố đầu vào.Nhưng nếu ngành điện tăng 10% - 15% trong 1 kỳ điều chỉnh giá điện thì coi như “đâm một nhát dao vào tim cho họ chết” vì họ không thể tự điều chỉnh được. Cần có phương pháp điều chỉnh giá “mềm” hơn là điều chỉnh gây sốc.
Theo ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nên mạnh dạn điều chỉnh giá điện 4 lần/năm theo 4 mùa để giá điện hoàn toàn có thể tăng và giảm. Khi mùa mưa thủy điện nhiều nước, giá điện phải giảm và ngược lại giá điện sẽ tăng. Việc điều chỉnh tăng - giảm giá điện cần làm thường xuyên nhưng theo hướng tăng và giảm từ từ, tránh gây sốc cho sản xuất kinh doanh và cho đời sống xã hội./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN (Kỹ thuật: Tuấn Linh)
https://vov.vn/kinh-te/gia-dien-co-tang-soc-khi-rut-gon-bieu-gia-ban-le-dien-978069.vov