Chị Loan cho biết, trước đây, Sa Pa chỉ có hạt dẻ rừng, hạt rất nhỏ chứ không to như hạt dẻ mà nhiều người rao bán.
Khi thời tiết chuyển sang se lạnh cũng là lúc hạt dẻ rang được bày bán nhiều tại các tuyến đường Hà Nội. Không những vậy, các trang mạng xã hội cũng rao bán rất nhiều loại hạt dẻ như hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng), hạt dẻ Sa Pa (Lào Cai), đặc biệt năm nay cũng nhiều người rao bán bánh hạt dẻ Sa Pa.
Để tìm hiểu về nguồn gốc của loại hạt dẻ này, ngày 12/11, trao đổi với báo Đất Việt, chị Nguyễn Thị Loan (33 tuổi, trú tại thị trấn Sa Pa, Lào Cai) khẳng định ở Sa Pa không có hạt dẻ như nhiều trang mạng rao bán.
Hạt dẻ được bày bán trên thị trường
"Hồi tôi còn nhỏ, thường hay đi cùng bạn lên rừng lấy củi và tìm hạt dẻ rừng để ăn. Hồi đó, hạt dẻ rừng cũng rất ít, đừng nói là bây giờ. Đây là món ăn yêu thích của tôi, bao năm nay tôi không thể tìm được hạt dẻ rừng này để mua.
Hạt dẻ rừng Sa Pa có hạt rất nhỏ, ăn bùi, thơm không giống hạt rẻ mà nhiều người đang rao bán. Hơn nữa, tôi nghĩ là hạt dẻ rừng Sa Pa giờ có ai tìm được chắc họ cũng để gia đình ăn hoặc mang đi biếu chứ làm gì có mà bán ra thị trường. Hoặc nếu có thì giá sẽ phải rất đắt đỏ chứ không có giá 50.000 đồng/kg đâu", chị Loan cho biết.
Theo chị Loan, nếu hạt dẻ rừng Sa Pa đã hiếm thì càng không thể có bánh hạt dẻ chuẩn của Sa Pa.
"10 chiếc bánh hạt dẻ được người bán giới thiệu là đặc sản của Sa Pa, bán với giá 90.000 đồng như vậy thì làm sao tin được. Chỉ tính riêng 1 kg hạt dẻ chưa rõ nguồn gốc gồm cả vỏ và những hạt mốc đã 50.00 đồng rồi thì thử hỏi để làm ra được 10 cái bánh hạt dẻ sẽ phải mất mấy kg hạt.
Tôi là người gốc Sa Pa mà cũng chưa từng ăn thử loại bánh hạt dẻ này, không hiểu mọi người nhập ở đâu mà bán được giá đó", chị Loan nói thêm.
Bánh hạt dẻ Sa Pa đang được rao bán rất nhiều
Cũng theo chị Loan, hạt dẻ Trung Quốc rất to, tròn, mỏng vỏ, bóng bẩy và vỏ không có lông tơ. Khi luộc chín, không có mùi thơm như hạt dẻ Sa Pa. Điều đáng nói nhất là hạt dẻ Trung Quốc được rao bán quanh năm.
Để hiểu rõ hơn về những loại hạt dẻ được bày bán ngoài đường và trên các trang mạng, chị Nguyễn Tú Anh (29 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết, do nhà chị gần mặt đường nên cứ đến mùa lạnh là chị lại bán khoai, ngô nướng và hạt dẻ rang.
Khi được hỏi về nguồn gốc của những loại hạt dẻ chị đang bán, chị này cho rằng: "Hôm nào nhỡ hàng thì tôi chạy ra chợ Hà Đông lấy mấy kg về bán tạm, còn chủ yếu là mỗi lần có ai lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) là tôi lại nhờ mua mấy tạ về để bán lẻ, bán buôn.
Mua ở trên đấy rẻ, về bán có lãi thì tội gì mà nhập lại hàng dưới xuôi. Nói thật, hạt dẻ cứ vào mùa lạnh, rang nóng lên thì ai nhìn cũng muốn ăn, chả ai để ý đến hạt dẻ Sa Pa hay hạt dẻ Trung Quốc đâu.
Về cơ bản, tôi nghĩ loại hạt này cũng không có thuốc sâu hay ngâm tẩm hóa chất nhiều nên yên tâm để bán. Loại hạt này lại được quảng cáo rất tốt cho sức khỏe nên không chỉ các bạn trẻ mà người già cũng mua nhiều lắm".
Giải thích về việc mua hạt dẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng quảng cáo là hạt dẻ Sa Pa, chị Tú Anh cho rằng, về cơ bản các loại hạt dẻ là gần giống nhau. Hơn nữa, chị bày bán ngoài đường chứ không phải thành lập công ty nên không lo các cơ quan chức năng kiểm tra giấy tờ.
"Khách hàng nào thích hạt dẻ là họ mua chứ làm gì có ai hỏi hạt này xuất xứ ở đâu. Còn tấm biển bên ngoài viết là hạt dẻ Sa Pa để người đi đường họ tin tưởng hơn. Bản thân tôi còn chưa biết hạt dẻ Sa Pa nó khác hạt dẻ Trung Quốc thế nào. Từ trước đến nay, tôi vẫn ăn hạt dẻ tôi bán", chị Tú Anh cho biết thêm.
Theo Thùy Dung/Đất việt