Việt Nam đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đạt gần 480 tỷ USD, gấp gần 2 lần GDP.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)
Sau 13 năm gia nhập WTO (7/11/2006-7/11/2019), nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Việc mở cửa nền kinh tế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm của nền kinh tế Việt Nam.
Hơn 10 năm qua được đánh giá là giai đoạn có nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế và tất cả có sự ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế cũng như hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, với những cải cách từ bên trong, với những chính sách đa phương, đa dạng hóa về kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế cũng như hội nhập quốc tế.
Khi gia nhập WTO năm 2006, quy mô kinh tế của đất nước còn khá khiêm tốn, Việt Nam nằm trong nhóm nước thu nhập thấp; năm 2016 khi tham gia AEC và các FTA mới, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình (thấp), là một trong 32 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 100 tỷ USD, trong đó có một số mặt hàng đứng hàng đầu thế giới, là nước thu hút FDI ổn định nhất trong ASEAN.
Tính đến tháng 10/2019, Việt Nam đã thu hút 30.136 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 358,53 tỷ USD.
Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đã chọn Việt Nam làm “điểm đến,” như Intel, Microsoft, Samsung, LG, Nokia, Canon, Mitsubishi, Toyota, Honda...
Và mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 7%/năm; năm 2018 đạt 7,08% - cao nhất trong một thập kỷ qua.
Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người cũng được cải thiện đáng kể. GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD năm 2006 lên 2.587 USD năm 2018, khoảng 7.650 USD theo sức mua tương đương.
Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh giúp gia tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu, mở rộng thị trường đa dạng các loại hàng hóa tham gia xuất, nhập khẩu.
Việt Nam đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đạt gần 480 tỷ USD, gấp gần 2 lần GDP.
Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất nhập khẩu, thậm chí là xuất siêu.
Là thành viên của WTO, Việt Nam đã được hơn 70 đối tác công nhận là nền kinh tế thị trường, nhiều sản phẩm dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Mỹ...
Không chỉ tác động mạnh mẽ, tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, gia nhập WTO chính là “mở cánh cửa lớn” để Việt Nam bước vào “sân chơi” toàn cầu.
Gia nhập WTO, Việt Nam đã từng bước mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ theo các thỏa thuận đa phương và song phương.
Hiệp định EVFTA và EVIPA chính thức được ký kết tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Việc đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới, chủ trì các hội nghị đa phương lớn của Việt Nam trong thời gian qua vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, vừa nâng cao đáng kể năng lực và vị thế quốc tế của Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phám 17 hiệp định FTA song phương và đa phương.
Trong số đó, 12 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Với việc đàm phán, ký kết hàng loạt FTA, nhất là các FTA thế hệ mới (như FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu; Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương; FTA ASEAN+1; FTA Australia-Hoa Kỳ).
Môi trường pháp lý, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý trong nước được cải cách theo hướng ngày càng phù hợp với các cam kết tiêu chuẩn cao trong các FTA và ngày càng minh bạch hơn, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước ngày càng thông thoáng hơn, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế cao của khu vực và thế giới... góp phần tăng trưởng kinh tế ổn định và chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nước theo hướng phát triển các ngành hàng để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các thị trường đã có FTA với Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù có tên trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chưa phát triển theo đúng kỳ vọng.
Trong công nghiệp, ngành khai thác, gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn, việc sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao còn thấp.
Nông nghiệp tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng tỷ lệ hàng nông sản qua chế biến còn thấp; việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn chậm, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp còn nhiều bất cập.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 3. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Để tiếp tục phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần những cải cách đột phá, đổi mới bộ máy hành chính nhà nước; tái cơ cấu các doanh nghiệp, các dịch vụ cơ sở hạ tầng theo hướng tập trung những dịch vụ có tiềm năng, lợi thế và phát triển logistics xanh.
Đặc biệt, nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ để Việt Nam sớm có những đột phá về khoa học công nghệ, tạo ra những mặt hàng, những sản phẩm kỹ thuật cao mang lại giá trị cao trong xuất khẩu.
Cùng với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử sau đổi mới, việc gia nhập WTO đã nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế, tạo điều kiện triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp với những mối quan hệ đan xen về lợi ích, việc giải quyết hàng loạt thách thức đặt ra chính là chìa khóa để Việt Nam tạo đà, tiếp tục đưa con tàu kinh tế vươn ra biển lớn./.
Theo Vietnam+