Tính chung 10 tháng qua kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng 21,8% của cùng kỳ năm 2017).
Quả nhãn là loại trái cây thứ 4 của Việt Nam được Australia cấp phép nhập khẩu, sau quả vải, xoài và thanh long. (Ảnh: TTXVN phát)
Trước bối cảnh giảm sút trong tổng cầu của kinh tế thế giới, hoạt động thương mại và đầu tư suy giảm nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan.
Tuy tăng trưởng có phần chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cơ bản đã bám sát chỉ tiêu đưa tăng trưởng xuất khẩu tăng 7-8% trong năm nay.
Chặng đường không còn dài nhưng với những giải pháp cụ thể, ngành công thương đang từng bước đưa xuất khẩu cán đích.
Tăng trưởng giảm nhẹ
Bộ Công Thương cho biết trong tháng 10 vừa qua, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 22,40 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,88 tỷ USD, giảm 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,52 tỷ USD, giảm 4,7%.
Theo phân tích từ các chuyên gia thương mại, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 vừa qua giảm so với tháng trước chủ yếu do Samsung kết thúc đợt đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới Galaxy Note 10 làm cho xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm sâu (13,5%).
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 giảm 0,8%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng cao 11,7%, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 5,5%.
Vì vậy, tính chung 10 tháng qua kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018 (thấp hơn mức tăng 21,8% của cùng kỳ năm 2017 và 15,3% của cùng kỳ năm 2018).
Đáng lưu ý, khu vực kinh tế trong nước đạt 66,63 tỷ USD, tăng 16,2%, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 150,42 tỷ USD, tăng 3,9%, chiếm 69,3% (tỷ trọng giảm 2,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
[Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến đem về gần 183 tỷ USD]
Nhận định về tăng trưởng của các nhóm hàng, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết, trong tháng 10 năm nay, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản có sự tăng trưởng trở lại khi tăng 4,9% so với tháng trước đó.
Tính chung 10 tháng của năm nay, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 20,87 tỷ USD, chiếm 9,62% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 6,1% so với cùng kỳ. Không những thế, có tới 7/9 mặt hàng trong nhóm này có sự sụt giảm so với cùng kỳ 2018 như thủy sản, rau quả, càphê, hạt tiêu, gạo…
Tháng 10 vừa qua, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản đạt 389 triệu USD, tăng 48,7% so với tháng trước và giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 3,65 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ, chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu mặt hàng than đá, dầu thô và xăng dầu các loại giảm.
Riêng với nhóm hàng công nghiệp chế biến, dù giảm trong tháng vừa qua, nhưng theo ông Trần Thanh Hải tính chung 10 tháng qua vẫn có đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này đạt 182,93 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 84,3% kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Chia sẻ về thị trường xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải cho hay, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đáng lưu ý, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết.
Hơn nữa, khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa.
Chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bá Hải. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10 đạt 22,5 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng Chín năm nay; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,25 tỷ USD, tăng 5,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,25 tỷ USD, tăng 1,9%.
Như vậy, tính chung 10 tháng qua, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 210,004 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Tiến sát mục tiêu
Theo đại diện Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương, với mức tăng trưởng lên tới 7,4%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sau 10 tháng đã tiệm cận với mục tiêu tăng trưởng 7-8% trong năm nay.
Tính đến thời điểm hiện tại kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 82,5% mục tiêu xuất khẩu của năm. Đáng lưu ý, cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng qua đã xuất siêu 7,05 tỷ USD, cao hơn con số 6,83 tỷ USD của cả năm 2018.
Với diễn biến này, nhiều khả năng năm 2019 sẽ là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam và nền kinh tế đang có sự chuyển dịch từ nhập siêu sang xuất siêu trong những năm gần đây.
Hơn nữa, cán cân thương mại thặng dư lớn sẽ hỗ trợ tích cực cho cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế. Bởi, cán cân thanh toán được cải thiện, nguồn cung ngoại tệ dồi dào đã góp phần tích cực duy trì ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá
Đại diện Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo, thông thường kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng cuối năm thường đạt khá cao so với đầu năm do đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu trong cả năm như Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán ở Việt Nam và một số nước châu Á…
Khách hàng mua hàng nhập khẩu tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Do đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu sẽ không có nhiều biến động do ảnh hưởng từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.
Để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu trong tháng cuối cùng của năm, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, Bộ tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung để chủ động trong điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.
Đặc biệt, tập trung nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.
Mặt khác, Bộ Công Thương tăng cường các biện pháp về phòng chống gian lận xuất xứ, phòng vệ thương mại để kiểm soát gian lận thương mại, lẩn tránh thuế, hạn chế tác động của việc gia tăng nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam do việc chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc và Mỹ để bảo vệ sản xuất trong nước; đồng thời, ổn định giá cả thị trường nội địa.
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, hiện tại Bộ Công Thương đang nghiên cứu các giải pháp, biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.
Ngoài ra, chú trọng kiểm soát nhập khẩu, xử lý vấn đề lẩn tránh thuế nhằm cảnh báo sớm nguy cơ lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ; đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các FTA thế hệ mới bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững./.
Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)