Theo thống kê từ Bộ Công Thương, nhóm linh kiện và điện thoại giảm mạnh đã tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu chung trong tháng Mười vừa qua.
Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng hơn 4 lần so với khu vực FDI. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Nhóm linh kiện và điện thoại giảm mạnh đã tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu chung trong tháng Mười.
Nhập siêu trở lại trong tháng
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng Mười, cả nước xuất khẩu khoảng 22,4 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,88 tỷ USD, giảm 2,6% còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,52 tỷ USD, giảm 4,7%.
Việc sụt giảm trên được lý giải là do Samsung kết thúc đợt đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới Galaxy Note 10, do vậy đã kéo nhóm điện thoại và linh kiện giảm tới 13,5%.
Tuy vậy, cộng hưởng từ những tháng trước nên sau 10 tháng, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt con số rất cao, ước đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
[Triển vọng lạc quan, xuất khẩu tiếp tục tăng tốc những tháng cuối năm]
Đóng góp chính vẫn là nhóm công nghiệp chế biến khi đem về 182,93 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018 (nhóm này chiếm 84,3% kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.)
Đáng chú ý là hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 28,8 tỷ USD, tăng 17,1%; giày dép đạt 14,6 tỷ USD, tăng 11,2%...
Nhờ vậy nên dù nhóm nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu giảm lần lượt là 6,1% và 8,9% trong 10 tháng qua, song kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước vẫn giữ được mức tăng 7,4%.
Riêng ngành dệt may, xuất khẩu trong 10 tháng đem về 27,4 tỷ USD, tiếp tục giữ vị trí trong tốp 5 các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh hết sức quyết liệt, việc đạt được mức tăng trưởng khoảng 9% là một nỗ lực rất lớn của toàn ngành dệt may.
Qua thống kê của Bộ Công Thương, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng qua, với kim ngạch đạt 49,9 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước. ASEAN đạt 21,3 tỷ USD, tăng 2,6%; Nhật Bản đạt 16,6 tỷ USD, tăng 7,5%; Hàn Quốc đạt 16,6 tỷ USD, tăng 9%.
“Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Nỗ lực đạt chỉ tiêu Quốc hội giao
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 210,004 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước đóng góp 87,9 tỷ USD, tăng 13% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 122,1 tỷ USD, tăng 4,4%.
Với kết quả xuất nhập khẩu trên, sau 10 tháng, thặng dư thương mại của cả nước đạt khoảng 7,05 tỷ USD, cao hơn con số 6,83 tỷ USD của cả năm 2018.
Như vậy, sau 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã hoàn thành 82,5% mục tiêu xuất khẩu của năm 2019.
"Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 và 2017 khi tăng tương ứng là 15,3% và 21,8%, nhưng cơ bản đã bám sát chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội đề ra, với mức tăng 7%- 8% trong năm 2019," đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành kế hoạch năm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Quan trọng hơn, khối doanh nghiệp trong nước đã có những đóng góp rất lớn, với mức tăng 16,2%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 7,4%) và cao gấp hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (khi chỉ đạt 3,9%).
Dù vậy, trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới, Bộ Công Thương đã đề ra hàng loạt giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên. Trong đó, cơ quan này đang tập trung quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và phát triển thị trường.
Về lâu dài, biện pháp được đề ra là chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu./.
Theo Đức Duy (Vietnam+)