Những hoa quả Việt Nam chỉ có giá vài chục nghìn/kg nhưng sang Nhật lại có giá tiền trăm đến tiền triệu. Những hoa quả này trải qua quá trình nghiêm ngặt và được ưa chuộng tại quốc gia kỹ tính về chất lượng như Nhật Bản.
>>80% nông sản Việt bán ra thế giới "sống tầm gửi" bằng thương hiệu nước ngoài
Cuối năm 2015, lô xoài Cát Chu đầu tiên được xuất khẩu vào Nhật Bản. Tại các siêu thị bán lẻ ở Nhật Bản, xoài Cát Chu có giá khoảng 8 - 10 USD/kg (tương tương 200.000 - 230.000 đồng/kg). Với mức giá này, một quả xoài có giá khoảng 70.000 đồng (quả nhỏ) và 100.000 đồng (quả to). Để được ưa chuộng tại thị trường nước bạn, xoài Cát Chu phải trải qua truy trình trồng đúng kỹ thuật và đảm bảo chất lượng.
Xoài Cát Chu được trồng chủ yếu tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Xoài Cát Chu thu hoạch 2 lần trong năm vào tháng 7 và tháng Tết. Xoài chín có vị ngọt thanh, nhiều nước, thịt dày, màu vàng và mùi thơm dễ chịu. Tại Việt Nam, Xoài Cát Chu chỉ dao động dưới 50- 70.000 đồng/kg.
Hoa quả Việt Nam xuất sang Nhật Bản được bán với giá đắt đỏ
Ngoài Xoài Cát Chu, tại thị trường Nhật Bản, từ năm 2009, trái thanh long ruột trắng bắt đầu hành trình chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản - thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, thanh long đỏ cũng được chấp thuận nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. Hiện thanh long là loại trái cây được xuất khẩu đều đặn sang Nhật Bản, chiếm phần lớn trong hơn 1.000 tấn thanh long mà nước này nhập khẩu mỗi năm. Tại các siêu thị, Thanh Long Việt Nam có giá từ: 250.000- 300.000 đồng/quả tùy từng loại.
Ngoài ra, từ năm 2014, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã đàm phán và xuất khẩu thành công lô vải thiều sang Nhật Bản và tiếp tục duy trì đến nay. Một khay vải thiều (12 quả) tại siêu thị ở Nhật có giá tới 430.000 đồng. Thực tế, vài thiểu là loại quả có giá rẻ ở Việt Nam, có năm được mùa, tại Bắc Giang, giá vải chỉ vài nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, vải xuất sang Nhật có quy trình trồng khác với các loại vải trong nước.
Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản lượng hàng hóa trị giá 5,07 tỷ USD tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Nhật Bản hiện đứng thứ 3 trong số những thị trường xuất khẩu đạt tỷ USD chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù Việt Nam đã xuất khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản, nhưng theo các doanh nghiệp, đây là thị trường khó tính, không dễ thâm nhập bởi người Nhật yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất thủ công. Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt chưa có nhiều kinh nghiệm, thông tin về thị trường, thị hiếu tiêu dùng, mức giá sản phẩm của thị trường Nhật Bản…
Ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, nông sản Việt muốn vào Nhật phải đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện một số loại trái cây Việt Nam như cam, quýt, đu đủ... bị Nhật đưa vào danh sách cấm nhập khẩu vì có dòi phương Đông. Điều đó cho thấy doanh nghiệp muốn xuất khẩu được nông sản sang thị trường Nhật Bản phải nâng cao chất lượng, công nghệ bảo quản, chế biến hàng nông sản cũng như giá thành sản phẩm.
Theo Ngọc Mai/Tiền phong