Theo các thương lái, giá lợn hơi tăng cao nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn không muốn bán, “găm hàng” chờ giá lên cao hơn và giá lợn hơi có thể lên đến 70.000 đồng/kg vào dịp cuối năm.
Một trang trại nuôi lợn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Trong những ngày gần đây, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tăng cao đột biến, vượt mức 60.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Có thời điểm giá lợn hơi đã ở mức 63.000 đồng/kg, nhiều nơi dao động từ 65.000-66.000 đồng/kg.
Theo các thương lái, giá lợn hơi tăng cao nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn không muốn bán, “găm hàng” chờ giá lên cao hơn. Với đà tăng giá như hiện nay, cùng với nhu cầu tiêu thụ lớn trong nước vào dịp cuối năm, giá thịt lợn hơi có thể lên hơn 70.000 đồng/kg.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, giá lợn hơi tăng cao trên địa bàn là do tổng đàn lợn bị giảm mạnh trong đợt dịch tả lợn châu Phi.
Bên cạnh đó, các thương lái đang tập trung thu mua lợn tại Phú Thọ đưa ra các tỉnh khác tiêu thụ đã làm nguồn hàng khan hiến. Cùng với đó, nhiều tập đoàn chăn nuôi lớn trên địa bàn đã tự đẩy giá lợn lên cao khiến cho thị trường thịt lợn trên địa bàn càng tăng trong thời gian gần đây.
Ông Từ Anh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, cho biết mặc dù giá lợn tăng cao, nguồn hàng khan hiếm nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa mạnh dạn tái đàn hoặc tăng đàn do dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến hết sức phức tạp, với mức độ lưu hành dày đặc ở hầu hết các địa phương.
Theo ông Sơn, virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng mạnh với môi trường, khả năng gây bệnh và lây lan dịch là rất cao, việc khống chế dịch bệnh vô cùng khó khăn. Thực tế trong tháng Chín vừa qua, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chủ quan nhập con giống không rõ nguồn gốc để tái đàn, khiến dịch tả lợn châu Phi tái phát mạnh tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Trước thực trạng trên, tỉnh Phú Thọ đang triển khai nhiều biện pháp mạnh nhằm kiểm soát chặt dịch bệnh. Đối với các địa phương đang trong thời gian công bố dịch, tỉnh nghiêm cấm việc bổ sung, tái đàn.
Đối với các địa phương còn lại, tỉnh khuyến cáo tạm dừng việc bổ sung, tái đàn, giãn khoảng cách giữa các lứa sinh sản để giảm áp lực tổng đàn.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng rộng rãi quy trình chăn nuôi sinh học; đồng thời gia tăng các biện pháp phòng hộ để đảm bảo an toàn cho đàn giống.
Tính đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 188 xã, phường, thị trấn thuộc 13 huyện, thành, thị của tỉnh với số lợn tiêu hủy là trên 37.000 con, tổng trọng lượng trên 2.200 tấn (số lợn tiêu hủy chiếm khoảng 4% tổng đàn, so với trung bình cả nước là 14%), ước tính thiệt hại trên 80 tỷ đồng.
Dịch bệnh chủ yếu xảy ra tại hộ nhỏ lẻ và một số hộ chăn nuôi quy mô vừa, chưa áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn hiện vẫn an toàn với dịch bệnh.
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Trị, dịch bệnh tả lợn châu Phi và lở mồm long móng đang cùng lúc hoành hành trên đàn lợn, trâu, bò gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi ở tỉnh.
Đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở trên 9.290 hộ chăn nuôi ở 116 xã, phường, thị trấn thuộc 9/9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Trị. Số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy trên 48.000 con với tổng trọng lượng hơn 2.500 tấn.
Sử dụng vôi bột tiêu độc, sát trùng chuồng trại chăn nuôi. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, dịch bệnh tả lợn châu Phi vẫn có chiều hướng lây lan nhanh; tốc độ phát sinh ca bệnh mới hàng ngày tăng, tập trung chủ yếu ở các vùng có mật độ chăn nuôi lợn cao, hộ chăn nuôi quy mô lớn.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi, tổ chức tiêu hủy, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; lập hồ sơ hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại theo quy định; xử lý môi trường tiêu hủy lợn bệnh; tổ chức quan trắc môi trường đối với các hố chôn lợn bệnh có số lượng lớn.
Tuy nhiên, việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Trị còn bất cập như một số địa phương chủ quan, lơ là; thiếu kinh phí cho phòng chống dịch; không đủ lực lượng tham gia chôn, tiêu hủy lợn bệnh…
Trong khi đó, dịch lở mồm long móng trên đàn trâu, bò đã và đang bùng phát tại hai huyện Cam Lộ và Vĩnh Linh.
Dịch lở mồm long móng xuất hiện trên đàn trâu, bò từ đầu tháng 10/2019 tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. Đến nay, dịch đã lan ra 5 xã: Cam Thành, Cam Tuyền, Cam Chính, Cam Nghĩa và Cam Hiếu thuộc huyện Cam Lộ với 17 con trâu và 180 con bò mắc bệnh.
Tương tự, tại hai xã Vĩnh Thủy và Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh cũng đã có 43 con trâu, 8 con bò mắc bệnh lở mồm long móng.
Theo nhận định của ngành chức năng, nguy cơ dịch lở mồm long móng ở Quảng Trị tiếp tục lây lan trên diện rộng là rất lớn, bởi đàn trâu, bò đã hết miễn dịch do chưa được tiêm phòng vụ Thu 2019 trong khi tỷ lệ tiêm phòng bệnh này vụ Xuân đạt thấp.
Lực lượng chức năng đã và đang tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm dịch lở mồm long móng trên gia súc để khoanh vùng bao vây, khống chế; triển khai tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng tại các ổ dịch; hướng dẫn hộ chăn nuôi cách ly gia súc bị bệnh, cấp hóa chất để chữa trị và tiêu độc khử trùng môi trường hàng ngày tại các hộ có trâu, bò bị bệnh; vận động người dân không bán gia súc mắc bệnh, không vận chuyển gia súc bị bệnh ra khỏi vùng có dịch.../.
Theo Lâm Đào An-Nguyên Lý (TTXVN/Vietnam+)