Mặc dù ngành hàng càphê có bước phát triển nhanh trong một số năm gần đây cả về diện tích và sản lượng, song lợi thế trên thị trường thế giới phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Mục tiêu phấn đấu đến 2030 xuất khẩu càphê đạt kim ngạch 6 tỷ USD. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Càphê là ngành hàng quan trọng, chiếm 3% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu nhiều năm nay đều trên 3 tỷ USD, chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu nông sản của cả nước.
Mặc dù có bước phát triển nhanh trong một số năm gần đây cả về diện tích và sản lượng, song theo đánh giá của Bộ Công Thương, lợi thế trên thị trường thế giới phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu và tiềm lực tài chính mạnh.
Do vậy, để hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030 cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm càphê Việt, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
[Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu càphê]
Theo đó, bên cạnh việc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho ngành càphê Việt Nam, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài để tiêu thụ càphê qua các hệ thống phân phối nước ngoài, góp phần đưa các sản phẩm càphê của Việt Nam thâm nhập sâu hơn, trực tiếp hơn vào thị trường nước ngoài.
Trong công tác dự báo thị trường, cơ quan này cũng đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu, tổng hợp thông tin về thị trường, từ nhu cầu, chủng loại, quy cách, mẫu mã, cung cầu, giá cả, các chính sách quản lý xuất nhập khẩu và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... để cung cấp cho các Bộ, ngành, người dân và doanh nghiệp, qua đó phối hợp tổ chức sản xuất, tạo nguồn hàng đảm bảo...
Liên quan đến công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, tăng cường quảng bá về sản phẩm càphê Việt Nam ở thị trường nước ngoài.
“Với các giải pháp trên hy vọng sẽ đem lại những thay đổi tích cực về mặt cơ cấu thị trường đối với các sản phẩm càphê,” đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm./.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước có gần 100 cơ sở chế biến càphê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn. Các sản phẩm càphê của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu càphê nhân toàn cầu (đứng thứ 2, sau Brazil); đặc biệt, càphê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần, đứng thứ 5, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ |
Theo Đức Duy (Vietnam+)