Trước tình trạng nhiều thương lái lùa lợn lên biên giới để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa yêu cầu hệ thống thú y và các cơ quan cửa khẩu tăng cường kiểm soát, không để vì lợi trước mắt mà gây nhiều hệ lụy về sau.
Giá thịt lợn tăng cao và lo ngại Tết “đắt đỏ“
Giá thịt lợn kéo CPI tháng 8 tăng lên
Bộ NN&PTNT yêu cầu kiểm soát xuất khẩu lợn tiểu ngạch nhằm tránh hệ lụy. Ảnh: Bình Phương
Ngày 17/10, tại hội nghị bàn về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT), cho biết, từ đầu tháng đến nay, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại trên 8.200 xã, thuộc 659 huyện của 63 tỉnh, thành phố.
Do dịch bệnh, nguồn cung ít dần, những ngày qua, giá thịt lợn liên tục tăng; nhiều nơi giá lợn hơi đã lên khoảng 65.000 đồng/kg.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, do dịch tả lợn châu Phi, số lượng lợn tiêu hủy đến nay đã lên 5,6 triệu con, trọng lượng 325.000 tấn, chiếm 8,3% khối lượng thịt lợn cả nước. Tuy nhiên, việc sụt giảm này không phải nguyên nhân chính đẩy giá thịt lợn lên cao.
Ông Cường cho rằng, Trung Quốc, một thị trường khổng lồ tiêu thụ thịt lợn đang bị khủng hoảng, mất cân đối cung-cầu nghiêm trọng do dịch tả lợn châu Phi. Thậm chí có vùng ở Trung Quốc giá lợn hơi đã vượt 150.000 đồng/kg.
Vì mức chênh lệch này, những ngày gần đây, nhiều thương lái xuất tiểu ngạch lợn qua biên giới với Trung Quốc, kích giá lợn trong nước tăng lên. Theo Bộ trưởng NN&PTNT, một số đơn vị, hộ gia đình “găm hàng”, giữ đàn lợn, tạo sự khan hiếm giả tạo.
“Lợn bình thường chu kỳ nuôi khoảng 3-3,5 tháng, trọng lượng khoảng 90-100 kg sẽ xuất chuồng. Tuy nhiên, do tâm lý, nhiều người nuôi muốn nuôi to hơn, thậm chí có nơi 150-180 kg/con mới bán”, ông Cường nói. Ông khẳng định, những tác động trên tạo tâm lý đẩy giá lợn, còn thực tế không đến mức thiếu như vậy.
Nguồn cung thịt lợn sẽ thiếu 8,3%
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho biết, quý IV hàng năm và quý 1 năm sau thường là thời điểm tiêu thụ thực phẩm cao nhất năm. Dự báo, năm nay nguồn cung thịt lợn sẽ thiếu khoảng 8,3%. Do vậy, Bộ đang triển khai các giải pháp tổng thể để đảm bảo nguồn thực phẩm, đặc biệt là bình ổn, không để xáo trộn, ảnh hưởng chỉ giá tiêu dùng cuối năm.
Bộ đã chủ trương tăng đàn gia cầm từ đầu năm và hiện đã tăng 12%, với hơn 1 triệu tấn sản lượng. Đẩy mạnh tăng đại gia súc (trâu, bò…) lên khoảng 4,2%. Về thủy sản, chưa năm nào được mùa cả khai thác và nuôi trồng như năm nay, với hơn 8 triệu tấn.
Ông Cường cho rằng, không thể một lúc chuyển thói quen tiêu dùng thịt lợn (chiếm khoảng 60-70% cơ cấu bữa ăn hằng ngày) sang các loại thực phẩm khác được, mà phải làm từng bước. Do vậy, trước mắt, với đàn lợn, sẽ tập trung tăng đàn ở những cơ sở chăn nuôi lớn, các hộ quy mô nhỏ, vừa đảm bảo được các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.
Về giải pháp thị trường, Bộ NN&PTNT sẽ ngăn chặn nguồn thịt mất an toàn từ bên ngoài vào vì nguy cơ dịch bệnh, đồng thời không để xuất tiểu ngạch vì Việt Nam phải đảm bảo nền kinh tế, thương mại lành mạnh.
“Thịt lợn cơ bản sẽ không thiếu cho dịp Tết và ra Giêng, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp. Hiện cả nước vẫn giữ được ổn định 109.000 con lợn giống cụ kỵ, ông bà. Trong khi nhiều doanh nghiệp, cơ sở, trang trại chăn nuôi vẫn đảm bảo an toàn sinh học và đây là cơ sở để tăng đàn”, ông Cường nói.
Liên quan xuất khẩu tiểu ngạch, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết đã có văn bản, yêu cầu hệ thống thú y cửa khẩu tăng kiểm soát xuất tiểu ngạch, bởi nếu để tình trạng này, có thể lợi nhỏ trước mắt, nhưng hại lớn về sau.
“Phía bạn với ta đã cam kết thương mại qua chính ngạch. Cùng đó, những ông có lợi nhuận được tiểu ngạch lúc này cứ bám lấy đó, đến lúc ế, thừa lại đi giải cứu à? Cùng đó, khi trao đi đổi lại như thế, không khéo ông lại mang thêm virus dịch về nhà”, ông Cường nói.
Theo Phạm Anh/Tiền phong