‘Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với một chính sách phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển.’
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0, năm 2019. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh và trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Việt Nam xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số. Hiện, công nghệ số đã được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019.
[Infographics: Đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm khoảng 20% GDP]
Theo ông Bình, Việt Nam xác định nội dung cốt lõi là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Hạn chế về thể chế, chính sách
Thời gian qua, Việt Nam đã bước đầu ghi nhận kết quả tích cực trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới chính phủ số. Hiện, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, trong đó chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc, lên thứ hạng 59/193 quốc gia so với năm 2016.
Tuy nhiên trên bình diện chung, mức độ chủ động tham gia vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam vẫn ở mức thấp khi mà thể chế và chính sách còn nhiều hạn chế, bất cập.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam ở mức dưới trung bình 50/100 điểm, xếp vị trí 94/140 quốc gia vào năm 2018. Trên thực tế, tại Việt Nam, thể chế về hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo đến nay vẫn chưa được hình thành đồng bộ, thêm vào đó hành lang pháp lý cho việc thí điểm áp dụng các sản phẩm mới, triển khai mô hình kinh doanh - dịch vụ mới còn rất thiếu.
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào trong sản xuất và đời sống đồng thời thiếu vắng các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân và thông tin riêng tư…
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn dàn. (BKT/Vietnam+)
Tính cấp bách của thời điểm
Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Lúc này, các công nghệ số đang phát huy hết sức mạnh, bao gồm cả việc xây dựng và tính huỷ diệt.”
Theo ông, việc để có thể chấp nhận những xu hướng mới phụ thuộc hoàn toàn vào sự chuyển đổi nhận thức của con người. Tuy nhiên, Việt Nam với lợi thế của các nước đi sau, sự chuyển đổi nhận thức trên sẽ không bị phụ thuộc vào những cơ sở vật chất mà quốc gia đang sở hữu.
Ông Hùng phân tích, thường các nước đi sau ít phải chịu những gánh nặng của quá khứ về hạ tầng vật chất, thể chế, năng lực cạnh tranh của thời kỳ Cách mạng công nghiệp 2.0 và 3.0. Do đó, với một chính sách phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển.
Không thể phủ nhận việc chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng rõ ràng, điều này cũng tạo nên những thay đổi mang tính toàn diện trong mỗi doanh nghiệp, tổ chức đến người dân trong mọi lĩnh vực.
Và, ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này? Theo người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông, đó là các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin tại Diễn đàn. (Ảnh: BKT/Vietnam+)
Vẫn theo ông Hùng, năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia và tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Theo đó, các yếu tố nền tảng cũng sẽ được đầu tư nhằm hướng tới mục tiêu thứ hạng cao trong top 50 (năm 2025) và top 30 (năm 2030) của thế giới.
Với điều này, năm yếu tố nền tảng được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra là: Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, Nền tảng và Đào tạo.
“Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Đầu tiên là đẩy nhanh việc số hoá và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực. Tiếp đến là sử dụng chuyển số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Sau cùng là tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới. Các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế,” ông Hùng nói.
Trước đó, Nghị quyết 52 của Bộ chính trị cũng chỉ rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng về: “Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội..., coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.”
Vì vậy, tại Diễn đàn lần này, một lần nữa ông Nguyễn Văn Bình thúc giục: “Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị là rất quan trọng nhưng đưa Nghị quyết vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp này có tầm quan trọng không kém”./.
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)