Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm trở lại đây. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 những tháng cuối năm vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần giải quyết.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo - một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế năm 2019
GDP 9 tháng cao nhất trong 9 năm
Tổng cục Thống kê vừa cho biết, GDP 9 tháng đầu năm 2019 tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2018, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm trở lại đây. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36% và khu vực dịch vụ tăng 6,85%.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đạt mức tăng trưởng thấp do hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng. Ngành chăn nuôi thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 9 tháng duy trì mức tăng trưởng khá với 9,56%. Công nghiệp chế biến, chế tạo động lực chính của tăng trưởng toàn nền kinh tế với mức tăng cao 11,37%. Sau nhiều năm giảm, năm 2019 ngành khai khoáng tăng trưởng do tăng cường khai thác than để bù lại sự sụt giảm sản lượng khai thác dầu khí. Khu vực dịch vụ 9 tháng năm nay tăng 6,85%, cao hơn mức tăng 6,75% của cùng kỳ năm 2018. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn như bán buôn, bán lẻ.
Tăng trưởng kinh tế như vậy song theo Cổng thông tin Bộ Tài chính, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá được tổ chức sáng 27/9/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá nhận định: Chỉ số CPI trong 9 tháng qua cho thấy, công tác điều hành giá đang đi đúng hướng. Nếu không có gì thay đổi, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát CPI năm 2019 quanh ngưỡng 3,2 - 3,5%, dư địa này vẫn có thể điều chỉnh giá một số dịch vụ công trong quý IV/2019.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn, trong quý III, CPI so với tháng trước đều tăng, tháng 7 tăng 0,18%, tháng 8 tăng 0,28%, tháng 9 ước tăng 0,4 - 0,6%. Tuy nhiên, tốc độ tăng CPI trong quý III vẫn thấp hơn dự báo. Các kịch bản dự báo cho thấy, CPI năm 2019 sẽ tăng thấp hơn năm 2018. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng khoảng 2,5%.
Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, lạm phát cơ bản dự báo diễn biến ổn định trong quý 4 năm 2019 sẽ trong khoảng 1,92% - 2,0%.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng thống kê giá (Tổng cục thống kê) cho biết, CPI 3 tháng cuối năm ảnh hưởng bởi giá dịch vụ y tế; giá xăng dầu ảnh hưởng theo giá thế giới và giá thực phẩm tươi sống. Thời điểm cuối năm, một số địa phương trên cả nước có thể bị ảnh hưởng bởi các cơn bão, áp thấp nhiệt đới nên giá thực phẩm tươi sống cục bộ tại các địa phương theo đó cũng bị tác động. Bà Ngọc dự báo, lạm phát năm 2019 sẽ đạt dưới 3%.
Cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức như “điểm nghẽn” chậm giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư công giải ngân đạt 247.000 tỷ đồng, khoảng 60% vốn kế hoạch được giao.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cho biết, khi vốn đầu tư công tăng 1% sẽ giúp GDP tăng 0,6%. Những tháng cuối năm 2019, Tổng cục Thống kê đề nghị cơ quan chức năng cần tập trung xử lý điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp - một trong những động lực cho tăng trưởng những năm gần đây cũng gặp khó khăn. Theo ông Lê Trung Hiếu, Vụ thống kê nông nghiệp (Tổng cục Thống kê), tốc độ tăng trưởng nông nghiệp thấp do thời tiết diễn biến phức tạp, bất lợi cho cây trồng. Dịch tả lợn châu Phi lây lan cả nước khiến sản lượng và tổng đàn lợn giảm mạnh. Xuất khẩu nhiều nông sản gặp khó khăn thị trường và giá cả. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,02% so với 2018, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Sản lượng lúa giảm 460.000 tấn và giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2018. Ở ngành chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi khiến 5,04 triệu con lợn bị tiêu huỷ, làm tổng đàn lợn cả nước giảm 19%. Điểm sáng trong ngành nông nghiệp ở sản lượng cây ăn quả tăng trưởng khá. Sản lượng chăn nuôi trâu bò, gia cầm tăng trưởng khá bù lại một phần sự thiếu hụt ngành chăn nuôi.
“Do giá trị sản phẩm lúa, thịt lợn chiếm cơ cấu lớn trong ngành nông nghiệp nên ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm. Chúng tôi dự đoán, cuối năm 2019 có hai sản phẩm cho thu hoạch là cà phê và cao su với cơ cấu giá trị lớn sẽ góp phần giúp ngành nông nghiệp tăng trở lại”, ông Hiếu cho biết.
Theo Tống cục Thống kê, động lực tăng trưởng 9 tháng cuối năm 2019 đến từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Trong 9 tháng đầu năm, ngành chế biến chế tạo là ngành đi đầu đóng góp cho nền kinh tế với mức tăng 9,6% trong 9 tháng đầu năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất trong các nước Asean về chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Ngành chế biến chế tạo tăng trưởng đều qua các quý, quý sau cao hơn quý trước, tăng trưởng ở hầu hết các ngành. Ngoài ra, các đơn vị cần điều chỉnh phương án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với các vùng miền. Ngành chăn nuôi tập trung nguồn lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng. Ngành thủy sản cần gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phân tích, dự báo tốt tín hiệu thị trường để có bước đi phù hợp.
“Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, Tổng cục Thống kê kiến nghị đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo. Nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng. Đồng thời, giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp với sản phẩm được sản phẩm sản xuất ở Việt Nam”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
GDP 9 tháng đầu năm 2019 tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm trở lại đây. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,3% và khu vực dịch vụ tăng 6,8%.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Ðầu tư (Tổng cục Thống kê) cho biết, khi vốn đầu tư công tăng 1% sẽ giúp GDP tăng 0,6%. Những tháng cuối năm 2019, Tổng cục Thống kê đề nghị cơ quan chức năng cần tập trung xử lý điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019.
Theo Quỳnh Nga/Tiền phong