Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét kiểm soát lạm phát năm 2020 khoảng 4%.
Còn kịch bản sốc nào cho lạm phát nửa cuối năm 2019?
Sẽ can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần, kiểm soát lạm phát dưới 4%
Sáng nay (27/9), tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá nhằm tổng kết, đánh giá công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát quý III năm 2019.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá cho biết, mặt bằng giá cả thị trường trong 9 tháng đầu năm 2019 biến động theo hướng tăng tương đối cao vào tháng 2, giảm nhẹ trong tháng 3 và tháng 6, tăng dần trở lại từ tháng 7 đến tháng 9.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá tại Văn phòng Chính phủ , sáng 27/9.
Trong quý III, CPI so với tháng trước đều tăng, tháng 7 tăng 0,18%, tháng 8 tăng 0,28%, tháng 9 ước tăng từ 0,4% - 0,6%. Tuy nhiên, tốc độ tăng CPI trong quý 3 vẫn thấp hơn dự báo, từ đó tiếp tục tạo thêm dư địa cho việc điều hành lạm phát giá cả theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ 2018 tăng khoảng 2,52%.
Các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong quý III/2019 do một số mặt hàng tăng giá theo quy luật hàng năm như giá một số nhóm hàng tiêu dùng (thuộc nhóm thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, du lịch...) trong dịp nghỉ hè, dịp nghỉ lễ 2/9 và Trung thu. Thời tiết vào mùa nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt làm tăng giá điện, nước luỹ tiến.
Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung cấp thịt lợn giảm làm cho giá thịt lợn tăng. Giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo mức tăng thêm của lương cơ bản, giá một số vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng) và giá nhân công xây dựng tăng do nhu cầu xây dựng và chi phí đầu vào tăng.
Ở chiều ngược lại, các nguyên nhân chủ yếu làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, đó là giá lương thực giảm do nguồn cung trong nước dồi dào và nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới giảm. Giá xăng dầu và giá gas trong nước có xu hướng giảm trong quý III.
Lạm phát có thể được kiểm soát dưới mức 4% trong năm nay. (Ảnh minh họa)
Cục trưởng Cuc Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Ban chỉ đạo điều hành giá quyết tâm kiểm soát lạm phát năm 2019 trong mục tiêu đề ra từ đầu năm (3,3-3,9%). Các bộ, ngành địa phương đã chú trọng công tác theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình giá cả thị trường trong và ngoài nước các mặt hàng thiết yếu để có phản ứng chính sách kịp thời góp phần ổn định tâm lý thị trường, kiểm soát lạm phát kỳ vọng, chủ động tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường và kịch bản Ban chỉ đạo đã đề ra trong từng quý.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả kiểm soát rất tốt trong 3 năm qua, trong điều kiện phải tiến hành song song hai mục tiêu tăng cường củng cố nền tảng vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Do kiểm soát tốt lạm phát, ý nghĩa của tăng trưởng có giá trị gia tăng lớn hơn rất nhiều. 2018 tăng trưởng gấp đôi lạm phát, chưa bao giờ có kết quả như vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá lưu ý: Từ tình hình trong nước và diễn biến trên thế giới như giá dầu, khủng hoảng thịt lợn tại Trung Quốc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết năm tới Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét kiểm soát lạm phát khoảng 4%./.
Theo Ngọc Quỳnh/VOV.VN