Thời gian qua thị trường gọi xe công nghệ “nóng” lên với hàng loạt doanh nghiệp cả nội và ngoại ồ ạt nhảy vào giành thị trường béo bở này. Nhưng cũng có nhiều “tay chơi” không chịu được nhiệt đành phải bỏ cuộc. Việc phát triển ồ ạt thị trường gọi xe công nghệ cũng khiến việc quản lý giữa xe truyền thống và công nghệ khó khăn.
Thị trường xe ứng dụng gọi xe công nghệ đang cạnh tranh khốc liệt.
Phải có kiểm soát
Tháng 4.2018 Uber rút khỏi Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, thời điểm này tại Việt Nam, hãng xe gọi công nghệ Grab chiếm lĩnh thị trường. Nhưng chỉ một thời gian ngắn nhiều hãng xe công nghệ mới đã “nhảy” vào làm đối thủ cạnh tranh với Grab như: Vato, Aber, Go-Việt, Be, Xelo… Theo thống kê chưa đầy đủ hiện thị trường Việt Nam có trên dưới 10 hãng xe gọi công nghệ đang hoạt động. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về thị phần của mỗi hãng, nhưng với con số gần 200.000 tài xế mà Grab công bố, thì hiện nay Grab đang chiếm khoảng 70% thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Khoảng 30% còn lại là của các ứng dụng khác tuỳ khả năng và các ứng dụng hữu ích. Một đối thủ đáng gờm nhất sau Grab hiện nay là ứng dụng Vato của Hãng xe Phương Trang với khoản đầu tư 100 triệu USD (khoảng hơn 2.200 tỉ đồng) hiện Vato có trên 24.000 tài xế tại các dịch vụ VatoCar (taxi), Vato bike (xe ôm), Vato ship (chuyển hàng).
Cuộc đua giành thị phần giữa các ứng dụng xe công nghệ ngày càng trở khốc liệt hơn khi có thêm một số ứng dụng tham gia cạnh tranh vào thị trường này. Cụ thể vào cuối năm 2018, Go-Jek của Indonesia (một đối thủ lớn của Grab tại Đông Nam Á) khi triển khai Go-Viet với các ứng dụng dịch vụ gắn liền với đời sống người Việt nhưng đến nay Go-Viet mới chỉ đưa ra được 3 dịch vụ là gọi xe hai bánh, gọi đồ ăn và giao hàng và vẫn chưa triển khai được dịch vụ gọi xe 4 bánh. Cùng thời điểm đó, một ứng dụng khác có tiềm lực về tài chính, hệ sinh thái tốt là Be đã ra mắt và chính thức tuyên chiến với Grab và
Go-Viet. Mới đây nhất, Viettel Post đã chính thức tuyên bố gia nhập thị trường gọi xe công nghệ với ứng dụng MyGo. Theo đại diện của Viettel Post, dịch vụ sẽ bắt đầu là gọi xe với nền tảng sẵn có để phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe tải.
Trong cuộc đua “khốc liệt” này đã có những ứng dụng phải rời cuộc chơi do không chịu được nhiệt của thị trường. Cụ thể như ứng dụng Aber chào sân tháng 6.2018 với điểm mới không thu chiết khấu của tài xế, tung ra các sản phẩm dịch vụ như: Xe máy, ôtô, giao hàng, xe doanh nghiệp... Những chỉ một thời gian ngắn đã thông báo dừng hoạt động. Điều này cho thấy nếu doanh nghiệp không có chiến lược, tài chính “dài hơi” sẽ không trụ được trong cuộc đua này.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc doanh nghiệp tham gia cuộc đua ứng dụng gọi xe công nghệ đã tạo lên một thị trường sôi động và minh bạch. Nhưng nếu doanh nghiệp có đủ tiềm lực và có một chiến lược tốt thì sẽ không có thị phần và thất bại là đương nhiên. Theo ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam), hiện mạng lưới xe công nghệ đang đang phát triển mạnh là cơ hội tốt để cho người dân lựa chọn vì không có sự độc quyền. Nhưng việc việc phát triển như hiện nay khiến cơ quan quản lý Nhà nước khó quản lý, rất phức tạp cần có sự hạn chế lại, không để phát triển tự do vì hiện đang có dấu hiệu hỗn loạn như việc giành giật tài xế giữa các hãng và tài xế các hãng giành giật khách của nhau. “Cạnh tranh sẽ tạo ra những sản phẩm tốt hơn, nhưng thị trường vận tải của Việt Nam hiện còn nhiều bất cập, nếu không kiểm soát tốt khách hàng sẽ là người đầu tiên chịu thiệt” - ông Thanh nhấn mạnh.
Tính minh bạch cao
Nhiều chuyên gia và người dân cho rằng, hiện nay chất lượng phục vụ của taxi công nghệ hơn so với taxi truyền thống về quản lý chất lượng dịch vụ cũng như quản lý về dữ liệu. Việc lái xe có thái độ không đúng, hay lừa lọc khách hàng xảy ra rất ít vì đã quản lý được dữ liệu do đó tính minh bạch cao. Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc Gia Khuất Việt Hùng cho rằng, theo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải bằng ôtô, siết các điều kiện kinh doanh vận tải, thì các quy định về quản lý các loại hình kinh doanh xe công nghệ về chất lượng và dịch vụ cũng đã được quy định gần sát với các điều kiện thực tế. Vấn đề quản lý, theo quy định tất cả các loại hình kinh doanh vận tải công nghệ đều phải kết nối với cơ quan quản lý nhà, đơn vị quản lý về tài chính.
Ngoài chính sách giá tốt để thu hút khách, các ứng dụng phải tăng cường dịch vụ và sự tiện lợi như duy trì mức giá ổn định. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thị trường gọi xe đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Do đó, chính sách giá tốt là yếu tố quan trọng nhất để các hãng giành thị phần. Tuy nhiên, ngoài ra cần phải có thêm hai yếu tố nữa là dịch vụ tốt và tiện lợi. Cũng theo ông Long, năng lực tài chính tốt nhưng chính sách giá, quản trị không tốt, không quan tâm đến người lao động sẽ khó tồn tại.
Theo Đặng Tiến/Lao động