Nhận thấy con dúi có giá trị kinh tế khá cao, chàng sinh viên năm thứ 3 tại TP Hồ Chí Minh đã mua về nuôi thử nghiệm, mỗi tháng thu nhập từ 30-40 triệu đồng.
Chàng sinh viên đó là Vũ Thành Đạt (ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), hiện đang theo học ngành Quản trị kinh doanh năm thứ 3 tại trường Đại học Hoa Sen. Để thực hiện ý tưởng, Đạt “biến” một phần nhà ở của mình thành khu nuôi dúi, rộng khoảng 50 m2. Tiến lại gần khu nuôi, tiếng “cọt kẹt” “cọt kẹt” phát ra từ các ô chuồng nhỏ chừng 50cm, cao 70cm bên trong là những con dúi đang chăm chỉ gặm nhấm các thanh tre.
Sinh viên Vũ Thành Đạt thành công với việc nuôi dúi của mình.
Theo Đạt, để dúi thích nghi tốt và phát triển thì cần cân đối nhiệt độ, môi trường sống. Không được để nhiệt độ quá 30 độ C, Đạt đã gắn máy lạnh cho toàn bộ khu nuôi và khu nuôi phải kín để tránh ánh sáng chiếu trực tiếp. Thức ăn được thay mới hàng ngày để dúi phát triển ổn định. Thông thường mỗi ngày, Đạt chỉ cần dành khoảng 30 phút để chăm sóc, vệ sinh chuồng và cho ăn 1 lần/ngày.
Gắn máy lạnh cho khu nuôi dúi trong nhà để giữ nhiệt độ ổn định không quá 30 độ C.Mỗi ngày Đạt dành khoảng 30 phút để chăm sóc, vệ sinh lại chuồng và cho ăn 1 lần nên không ảnh hưởng đến việc học.
Thức ăn của dúi là là tre, mía, bắp...
Đạt chia sẻ: “Khoảng 2 năm trước em có chuyến đi dã ngoại ở Bình Định, thấy người dân ở đây đào được những con vật lạ tưởng là chuột, nhưng tìm hiểu sơ bộ thì mới biết đây là con dúi. Thức ăn của nó là tre, mía, bắp... không có mùi hôi và đặc biệt không cần uống nước. Tìm hiểu thêm thì phát hiện con vật này có giá trị kinh tế cũng khá cao nên đã mua vài cặp dúi về nuôi thử nghiệm. Qua thời gian nuôi nhận thất phát triển tốt nên đã mua thêm khoảng 30 con".
Theo Đạt, những ngày đầu nuôi dúi gặp rất nhiều khó khăn do chưa biết cân đối dinh dưỡng, thuốc men điều trị khi dúi bệnh ra sao... nên bị lỗ vốn đôi chút. Bên cạnh đó, gia đình ban đầu cũng không ủng hộ vì sợ hôi thúi, ảnh hưởng đến khu dân cư. Tuy nhiên, khi nuôi thực tế, Đạt phát hiện con dúi không những không hôi mà còn rất sạch sẽ, dễ nuôi.
Với số vốn bỏ ra ban đầu chỉ gần 20 triệu đồng, sau khoảng hai năm kiên trì chăm sóc, số lượng dúi của Đạt lên đến gần 300 con. Hiện bầy dúi của Đạt đã cho thu nhập ổn định hàng tháng từ 30-40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mức lãi từ 20-30 triệu đồng.
Những dúi con được nuôi nhốt cùng nhau.
Theo Đạt, một con dúi lớn thường đẻ trung bình một lứa từ 2-4 con. Sau khi nuôi khoảng 6 tháng, trọng lượng tối đa một con dúi là 2kg. Hiện trên thị trường, giá một cặp dúi con giống từ 1,2 triệu – 1,8 triệu đồng, còn dúi thương phẩm được bán với giá 700.000 đồng/kg. Đầu ra cho con dúi thịt đang rất “hot”, chủ yếu là nhà hàng, quán ăn...
Dúi thương phẩm nặng tầm hơn 1kg.
Đạt cũng cho biết, đã bán nhiều con giống cho người dân các tỉnh miền Tây và một số tỉnh miền Trung Tây Nguyên; đồng thời nhận bao tiêu luôn đầu ra cho người dân nên tạm thời chưa mở rộng quy mô hoạt động. Trong tương lai, Đạt hy vọng con dúi sẽ phát triển tốt, đẻ được nhiều hơn và thị trường vẫn còn ưa chuộng.
Khách từ các tỉnh, thành đến nhà Đạt để tìm hiểu và mua con giống về nuôi.
Theo Mạnh Linh/Báo Tin tức