Người tiêu dùng nhiều nước ở Châu Âu ưa chuộng hàng hóa thuần Việt từ chất lượng hàng hóa cho đến tên gọi.
Chiều nay (12/9), tại Hội nghị Phát huy nguồn lực kiều bào hỗ trợ doanh nghiệp thành phố tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- châu Âu (EVFTA), do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức, hơn 100 đại biểu đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam và doanh nhân kiều bào đã nêu nhiều ý kiến cụ thể để tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào châu Âu.
Doanh nghiệp trao đổi về mẫu mã hàng hóa.
Theo nhiều đại biểu, nội dung của EVFTA đang được các ngành chức năng của thành phố cụ thể hóa, thông tin, từng bước tập huấn cho doanh nghiệp. Trên cơ sở này, các doanh nghiệp phải nắm rõ lộ trình giảm thuế cho từng ngành hàng; xác định nguồn gốc hàng hóa, nguồn gốc nguyên phụ liệu và cách tính hàm lượng xuất xứ.
Từ đó, doanh nghiệp buộc phải thay đổi nguồn cung nguyên phụ liệu để đảm bảo xuất xứ và ưu đãi thuế, đặc biệt là phải đảm bảo quản lý chặt chẽ suốt quá trình sản xuất.
Từ thực tế sản xuất, kinh doanh ở châu Âu, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu cho rằng, có một số yếu tố chưa được doanh nghiệp Việt Nam chú trọng.
Cụ thể như, ngoài đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa, doanh nghiệp chưa thực sự đi sâu khảo sát thị trường châu Âu để nắm bắt xu hướng tiêu dùng, từ đó định hướng sản xuất cho ra những sản phẩm được thị trường này ưa chuộng.
Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt cũng chưa có sự nghiên cứu xác đáng về văn hóa tiêu dùng của từng quốc gia trong Liên minh châu Âu, cách lựa chọn hàng hóa của người châu Âu dựa trên tên gọi của sản phẩm, ấn tượng đối với Việt Nam…
Tất cả những việc cụ thể này, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài nói chung, ở châu Âu nói riêng sẵn sàng tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất kinh doanh tốt hơn, tận dụng tối đa cơ hội khi EVFTA có hiệu lực.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp cho biết: “Các nước Tây Âu như Pháp, Đức, Ý, họ chuộng các sản phẩm thuần Việt. Đừng quên, sản phẩm là một yếu tố cạnh tranh rất cao, họ còn quan tâm đến các yếu tố thuần túy Việt Nam, ngay từ tên sản phẩm. Do đó, tôi gửi đến các doanh nghiệp thông điệp là khi mình đã có hàng hóa đạt chuẩn rồi thì phải nghĩ đến người ta thích cái tên Việt Nam, chứ không phải tên nước ngoài”.
TPHCM hiện có 350.000 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm có 40.000 doanh nghiệp thành lập mới và thị trường châu Âu được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường này./.
Theo Minh Hạnh/VOV.VN