ASEAN và các đối tác đã thu hẹp đáng kể quan điểm về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ… tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích cơ bản mỗi nước.
Các Bộ trưởng và trưởng đoàn phụ trách kinh tế, thương mại của các nước tham gia RCEP chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 8/9, Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 7 giữa 10 nước thành viên ASEAN và sáu nước đối tác là Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và Trung Quốc đã diễn ra tại Bangkok bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 51 (AEM 51).
Trải qua 27 phiên đàm phán chính thức, nhiều phiên đàm phán giữa kỳ, đàm phán Hiệp định RCEP đã kết thúc được các chương: Hợp tác kinh tế; Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại; Mua sắm của Chính phủ; Các biện pháp vệ sinh kiểm dịch; Tiêu chuẩn, quy chuẩn và thủ tục đánh giá sự phù hợp.
Nhiều nội dung khác cũng đã được thống nhất về cơ bản.
Cho đến nay, các nước đã thu hẹp được đáng kể quan điểm trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ…
Tuy nhiên, các vấn đề còn lại hầu hết đều là vấn đề khó, liên quan đến lợi ích cơ bản của các nước tham gia đàm phán.
Từ đầu năm 2019 đến nay, các nước ASEAN đã chủ động cùng các nước đối tác thúc đẩy một số giải pháp linh hoạt nhằm xử lý các vướng mắc trong đàm phán, hướng tới mục tiêu kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP vào cuối năm 2019 như các nhà lãnh đạo đã chỉ đạo tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 2 vào tháng 11/2018 tại Singapore.
Hiện đàm phán đang đi vào giai đoạn quyết định, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của các nước cũng như chỉ đạo thường xuyên của các bộ trưởng để có thể đi vào giai đoạn kết thúc đàm phán.
Tại Hội nghị Bộ trưởng lần này, các bộ trưởng đã thảo luận nhiều giải pháp cụ thể để làm định hướng cho giai đoạn đàm phán tới đây bao gồm: các Bộ trưởng tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị trong việc thúc đẩy việc kết thúc đàm phán; đưa ra các chỉ đạo đối với Đoàn đàm phán các nước về việc thể hiện quyết tâm chính trị đó trong quá trình đàm phán, đặc biệt là thái độ linh hoạt trong việc giải quyết tất cả các nội dung còn tồn đọng; chỉ đạo đối với phương án giải quyết một số nội dung quan trọng trong các lĩnh vực như mở cửa thị trường hàng hóa, đầu tư…
Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận để tìm kiếm giải pháp xử lý những vướng mắc về chính sách nhằm hướng tới khả năng đạt đồng thuận trong nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, để chuẩn bị cho năm Việt Nam đảm nhận tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đăng cai tổ chức Phiên đàm phán Hiệp định RCEP lần thứ 28 tại Đà Nẵng từ ngày 19 - 27/9.
Đây được coi là phiên đàm phán cuối cùng trước khi diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN vào cuối năm nay.
Với tư cách là nước chủ nhà và sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN sau Hội nghị Cấp cao cuối năm nay, Việt Nam sẽ phối hợp với tất cả các nước để đảm bảo thành công của phiên đàm phán sắp tới./.
Theo Ngọc Quang-Hữu Kiên (TTXVN/Vietnam+)