Một số tồn tại trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình và đặc biệt là chậm tiến độ 4 năm so với kế hoạch ban đầu phần nào làm giảm tính kinh tế và chậm phát huy hiệu quả của dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện.
Tân Vũ - Lạch Huyện là cây cầu vượt biển có chiều dài lớn nhất Việt Nam.
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng. Đây là tuyến đường kết nối các khu vực đang phát triển phía Đông thành phố Hải Phòng với cảng Lạch Huyện, khu công nghiệp Đình Vũ cũng như kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Dự án được triển khai từ tháng 6/2013, do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài toàn tuyến 15,63 km với tổng mức đầu tư ban đầu là 8.187 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên 11.849 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán nút giao Tân Vũ và các lệnh thay đổi còn sai sót về khối lượng, đơn giá và dự phòng làm tăng giá trị dự toán 34,9 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về Liên danh OCG - JBSI tư vấn thiết kế, lập dự toán nút giao; Ban quản lý dự án 2, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông và Bộ Giao thông Vận tải.
Đáng chú ý, dù chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn có nhiều biện pháp để đảm bảo tiến độ của gói thầu nhưng vẫn còn gói thầu chậm tiến độ. Tiến độ của dự án phải điều chỉnh nhiều lần, kéo dài thêm 4 năm so với tiến độ tại quyết định đầu tư ban đầu.
Nguyên nhân chủ yếu do: công tác giải phóng mặt bằng chậm do người dân cản trở thi công; công tác lập, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuận, dự toán công trình chậm 2 năm; công tác lựa chọn nhà thầu thi công gói xây lắp số 6 chậm 10 tháng; thiếu vốn năm 2016; điều chỉnh thiết kế cơ sở hạng mục nút giao Tân Vũ. Ngoài ra, tiến độ dự án còn chậm do việc thi công nút giao Tân Vũ chậm.
Trách nhiệm liên quan đến những tồn tại trên thuộc về Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Sumitom Mitsui - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4; Liên danh OCG - JBSI - NK liên kết với TEDI - TIDICC - APECO và Ban quản lý dự án 2.
Trong quá trình thực hiện dự án cũng còn một số tồn tại, sai sót trong công tác quản lý chi phí với giá trị hơn 23,7 tỷ đồng. Trong đó, một số hạng mục chưa đủ điều kiện xác nhận chi phí, chưa đủ điều kiện thanh toán chi phí tư vấn, chưa đủ điều kiện xác định thuế giá trị gia tăng, một số hạng mục đến thời điểm kiểm toán dù dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn chưa thực hiện công tác điều chỉnh giá do chi phí trượt giá đồng nội tệ.
Ngoài ra, tính đến ngày 31/3/2019, cơ cấu giải ngân chưa phù hợp so với cơ cấu được phê duyệt. Công tác ghi thu, ghi chi ngân sách Nhà nước còn chậm. Trách nhiệm này liên quan tới Ban quản lý dự án 2, Bộ Giao thông Vận tải và Kho bạc Nhà nước.
Đánh giá về tính kinh tế trong quản lý và thực hiện dự án, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã cố gắng nhằm đảm bảo tính kinh tế thông qua việc quản lý dự toán và chi phí các gói thầu.
Cụ thể, dự toán được lập cơ bản phù hợp định mức do Bộ Xây dựng ban hành, đơn giá phù hợp với mặt bằng giá tại thời điểm lập dự toán và nơi xây dựng công trình; khối lượng các công việc phù hợp với hồ sơ thiết kế; công tác quản lý chất lượng, quản lý chi phí đầu tư, đơn vị cơ bản thực hiện kịp thời, đầy đủ.
“Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình dẫn đến giá trị dự toán các gói thầu tăng 34,9 tỷ đồng, tồn tại trong quản lý chi phí đầu tư dẫn đến phải giảm thanh toán với giá trị 3,9 tỷ đồng và dự án chậm tiến độ 4 năm so với kế hoạch ban đầu. Các nội dung này đã phần nào làm giảm tính kinh tế và chậm phát huy hiệu quả của dự án”, báo cáo Kiểm toán nêu.
Theo Phương Dung/Dân trí