Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Tuý bày tỏ băn khoăn, vì sao các doanh nghiệp có doanh thu tăng, tài sản tăng nhưng lỗ luỹ kế vẫn tăng cao, hiện tượng chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI vẫn diễn ra phức tạp, khó xử lý.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quochoi.vn
Doanh thu tăng, tài sản tăng nhưng DN vẫn báo lỗ luỹ kế tăng
Ngày 8.5, tại phiên họp 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nói về Báo cáo tóm tắt Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Chính phủ, ông Trần Văn Tuý bày tỏ băn khoăn về vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp FDI.
"Tại sao FDI đang không đạt dự toán và chỉ tiêu của Quốc hội (khoảng 83,6%), trong khi kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI vẫn rất tốt?", ông Tuý đặt câu hỏi.
Ngoài ra, có tình trạng doanh thu tăng 28%, tài sản tăng 22% nhưng DN vẫn báo lỗ và lỗ luỹ kế tăng rất cao, nhưng trong báo cáo của Chính phủ chưa có phân tích đánh giá. Từ đó, ông Tuý cho rằng cần “có một khoảng lùi” để đánh giá kỹ để tìm ra nguyên nhân, giải pháp của tình trạng này.
Chuyển giá là vấn đề phức tạp, đã có từ lâu
Lý giải về băn khoăn của ông Trần Văn Tuý, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chuyển giá là câu chuyện rất dài, đã xảy ra từ lâu, "từ trên dưới 30 năm nay chứ không phải bây giờ mới có".
Theo ông Dũng, hiện tượng chuyển giá thực chất xảy ra từ khâu đầu tư ban đầu, khâu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ở khâu đầu tư ban đầu, Luật Đầu tư trước đây, năm 1992 có điều khoản yêu cầu phải giám định lại giá trị khoản đầu tư ngay sau khi nhà đầu tư hoàn tất quá trình đầu tư để xác định ra tài sản chính thức từ đó tính ra khấu hao và tính thuế.
"Chúng ta đã thực hiện điều khoản này nhưng trên thực tế việc thực hiện vô cùng khó khăn. Chúng ta đã từng thuê công ty giám định độc lập xác định giá trị 17 dự án thì cả 17 dự án đều sai phạm", ông Dũng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng KH-ĐT cho rằng, việc đưa ra xử lý về mặt pháp lý vô cùng phức tạp. Sau đó thì điều khoản này đã được bỏ khi xây dựng Luật Đầu tư "theo hướng cho họ tự giác".
"Nhưng bây giờ chúng tôi thấy không thể để cho họ tự giác được nữa. Vì đánh giá 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy đây vẫn là kẽ hở, vì người ta đầu tư 1 triệu USD nhưng khai 2 triệu USD, toàn bộ khấu hao tài sản người ta chuyển ra hết, giảm ngay tiền thu nhập chịu thuế của chúng ta, tức là lỗ giả lãi thật", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh,
Do hiện tượng chuyển giá đã xảy ra từ rất lâu. Vì thế, Bộ trưởng Dũng cho biết, khi sửa Luật Đầu tư sắp tới đây, dự kiến đưa lại điều khoản này vào luật, trong trường hợp cần thiết Nhà nước có thể có quyền thuê công ty giám định để giám định lại tài sản của nhà đầu tư.
"Tức là mở ra cơ chế để khi thấy cần thì chúng ta sẵn sàng áp dụng giám định lại tài sản đầu tư và anh còn phải trả chi phí cho việc giám định đó thì mới khắc phục được tình trạng này (chuyển giá) một bước", Bộ trưởng Dũng nói.
Riêng chuyển giá trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Bộ trưởng cho biết "việc này Bộ Tài chính đã và đang làm"
Theo Thành Trung/Lao Động