Lượng thịt lợn tiêu thụ trên thị trường đã bước đầu được cải thiện, giá thịt lợn hơi đã tăng lên khoảng 40.000 đồng/kg.
Bộ NN-PTNT cho biết, đến thời điểm này, có 3 ổ dịch tại Hưng Yên, Hà Nội và Hải Dương đã qua 30 ngày vẫn chưa phát sinh ổ dịch mới, đủ điều kiện để công bố hết dịch.
3 ổ dịch tại Hưng Yên, Hà Nội và Hải Dương đã qua 30 ngày vẫn chưa phát sinh ổ dịch mới, đủ điều kiện để công bố hết dịch.
Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 23 tỉnh, thành phố, tổng số lợn mắc bệnh và tiêu huỷ khoảng 73.000 con.
Ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, không chỉ 3 địa phương đã công bố hết dịch mà còn nhiều địa phương cũng sắp công bố hết dịch sau 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới và được khử trùng, tiêu độc đảm bảo. Do đó, các địa phương này được phép vận chuyển lợn sống và tiêu thụ sản phẩm từ lợn tự do.
Trong nội tỉnh tuy có quy định về kiểm dịch (liên huyện) nhưng khó thực hiện được trên thực tế. Việc vận chuyển lợn và thịt lợn ở các tỉnh thì có kiểm dịch thú y. Trong thời gian công bố dịch, các ổ dịch đều có chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn tình trạng tiêu thụ lợn bệnh.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong đầu năm 2019 đã ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, do tăng đàn từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 nên đến hết quý 1 đàn lợn vẫn tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau Chỉ thị 04, số tỉnh thành xảy ra dịch tả lợn châu Phi được khoanh vùng là 23 tỉnh thành, lưu thông thịt lợn sản phẩm bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, dịch bệnh đã từng bước được khống chế.
“Khu vực xảy ra dịch là ở các hộ nuôi lẻ, đây là khó khăn trong phòng chống dịch khi an hoàn sinh học khó thực hiện. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang cung cấp 45% lượng thịt lợn ra thị trường. Người tiêu dùng đã dần quay lại với thịt lợn, lượng thịt lợn tiêu thụ trên thị trường đã bước đầu được cải thiện, giá thịt tăng lên 40.000 đồng/kg” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói./.
Theo VOV