Giàn khai thác CTC1-WHP thuộc mỏ Cá Tầm, Lô 09/3-12 đã cho dòng dầu đầu tiên (First oil) với sản lượng ban đầu đạt 1.630 tấn/ngày.
Giàn khai thác CTC1-WHP là hạng mục quan trọng nhất trong dự án phát triển khai thác mỏ Cá Tầm. Ảnh minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Ngày 8/3, tại thành phố Vũng Tàu, Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro tổ chức lễ đón mừng dòng dầu đầu tiên từ mỏ Cá Tầm.
Giàn khai thác CTC1-WHP được khởi công chế tạo từ tháng 3/2018 và là hạng mục quan trọng nhất trong dự án phát triển khai thác mỏ Cá Tầm thuộc Lô 09-3/12.
Lô 09-3/12 do Vietsovpetro là nhà điều hành theo hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí ký năm 2012 giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tổ hợp ba nhà thầu Vietsovpetro, Tổng Công ty Thăm dò-Khai thác dầu khí (PVEP) và Tập đoàn Bitexco với tỷ lệ lần lượt 55%, 30% và 15%.
Giàn CTC1-WHP được kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Vietsovpetro tại Lô 09-1 nhằm tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có trên biển của Vietsovpetro, mang lại nhiều lợi nhuận cho tổ hợp nhà thầu.
Ngày 25/1, giàn khai thác CTC1-WHP thuộc mỏ Cá Tầm, Lô 09/3-12 đã cho dòng dầu đầu tiên (First oil) với sản lượng ban đầu đạt 1.630 tấn/ngày.
Song song với công tác xây lắp, Vietsovpetro đã hoàn thành công tác kết nối hoàn thiện các giếng thăm dò/thẩm lượng để kịp thời đưa vào khai thác từ thời điểm First Oil.
Sau đó, Vietsovpetro tiếp tục triển khai thi công các giếng khoan khai thác tiếp theo, đến ngày 10/2/2019 đã hoàn thành và đưa giếng khoan khai thác đầu tiên CT-101 vào khai thác, giúp sản lượng khai thác trung bình từ mỏ Cá Tầm đến thời điểm này đạt trên 1.200 tấn dầu/ngày.
Theo kế hoạch, trong năm 2019 sẽ tiếp tục khoan và đưa vào khai thác thêm sáu giếng, sản lượng khai thác cả năm dự kiến đạt 766.000 tấn dầu.
Đến nay tại Lô 09-3/12, Vietsovpetro cũng đã hoàn thành công tác khoan và thử vỉa các giếng thăm dò CT-5X trong năm 2018 và CT-6X vào ngày 25/2/2019 cho kết quả tốt với gia tăng trữ lượng thu hồi ước đạt 1,95 triệu tấn dầu, nâng tổng trữ lượng thu hồi của toàn mỏ Cá Tầm lên gần 11 triệu tấn dầu.
Kết quả này cho phép tổ hợp nhà thầu tiếp tục xây dựng thêm các giàn dầu giếng trong thời gian tới và là tiền đề thi công giếng thăm dò tiếp theo CT-8X trong năm 2019.
Trong thời gian tới, việc đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại khu vực bể Cửu Long với cơ sở hạ tầng sẵn có, hệ thống xử lý/xuất dầu thô và thu gom khí đồng hành đồng bộ là một chủ trương đúng đắn nhằm đảm bảo duy trì và sớm gia tăng sản lượng khai thác dầu khí, đáp ứng nhu cầu năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ngoài ra, việc tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại các khu vực này cũng góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền cũng như lợi ích kinh tế trên thềm lục địa và lãnh hải Việt Nam./.
Theo TTXVN/Vietnam+