Năm 2019, áp lực về tỷ giá có thể sẽ giảm do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo.
Năm 2018 là một năm đầy biến động của tỷ giá trong nước do chịu ảnh hưởng từ những đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay sự căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc. Vậy tỷ giá trong năm 2019 được dự báo sẽ như thế nào?
Theo TS.LS Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân Bizlight, tỷ giá năm 2019 sẽ phụ thuộc rất lớn vào hành động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Mới đây, Chủ tịch FED Jerome Powell đã quyết định tăng lãi suất USD thêm 0,25 điểm %, lên 2,25-2,5%/năm, mức tăng lãi suất của FED sẽ chậm dần và gần đạt mức cân bằng của nền kinh tế.
Trong năm 2019, FED dự kiến tăng lãi suất 2 lần thay vì 3 lần đưa ra hồi tháng 9. Việc kiềm chế tăng lãi suất này của FED sẽ tác động tích cực đến tỷ giá USD/VND. Việt Nam có thể không bị áp lực tăng tỷ giá trong năm 2019.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2019, áp lực về tỷ giá sẽ giảm. (Ảnh minh họa: KT)
Theo nhận định của chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực, năm 2019, về cơ bản tỷ giá ở trạng thái trong tầm kiểm soát và tương đối ổn định, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều áp lực từ yếu tố bên ngoài nhưng ở mức bình thường và không nhiều như năm 2018.
Chẳng hạn, năm 2019, dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại; FED sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất, như vậy đồng USD sẽ không tăng mạnh như năm 2018. Theo đó, các đồng tiền trong khu vực cũng sẽ giảm giá ở mức thấp hơn so với 2018, tạo áp lực tỷ giá ở mức độ nhẹ hơn đối với tỷ giá VND.
Thứ 2, với nội tại kinh tế Việt Nam, theo dự báo, lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ ở mức dưới 4%, cộng với quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối tương đối tích cực, ở trạng thái ổn định và cung hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu…
Từ những nhận định đó, TS. Lực cho rằng, tỷ giá của 2019 ở trạng thái vẫn còn biến động nhưng ở mức ổn định hơn và giá thấp hơn so với năm ngoái. Năm nay, tỷ giá VND có thể mất giá khoảng 2-2,5%.
Theo ông Lực, năm 2019, trước những biến động và thách thức có thể xảy ra, chính sách tiền tệ trong nước cần bám sát diễn biến thị trường tài chính tiền tệ và chính trị trên thế giới để có kịch bản phù hợp.
Về điều hành chính sách, cần có sự linh hoạt, đặc biệt, với chính sách tỷ giá, cần tính toán tổng hợp hài hòa nhiều yếu tố khác như, nhập khẩu, lạm phát, nợ nước ngoài; Cần tính toán lại rổ tiền tệ, vì rổ này đã thực hiện 3 năm qua, cấu trúc đồng tiền trong rổ đã thay đổi. Thị trường mua bán ngoại tệ cần dễ dàng hơn, để doanh nghiệp không nhất thiết vay hay cho vay ngoại tệ mà có thể chuyển sang trạng thái mua bán, như tinh thần của Nghị định 24 Chính phủ ban hành trước đây.
“Đối với góc độ của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, phải theo sát diễn biến trên thế giới cũng như tại thị trường Việt Nam, đồng thời quan tâm hơn về việc quản lý rủi ro lãi suất, tỷ giá. Nếu như các doanh nghiệp không tự kiểm soát được rủi ro đó thì có thể phối hợp với các tổ chức tín dụng, nơi có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn, các dịch vụ tốt hơn để quản lý rủi ro về lãi suất, tỷ giá như đã làm trong thời gian qua. Song song với đó, cần đa dạng hóa cả thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, cũng như các kênh để dẫn vốn và các kênh phục vụ nhu cầu tài chính của mỗi doanh nghiệp”, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo./.
Theo Chung Thủy/VOV.VN