Chợ Cốc Lếu (Lào Cai), nhiều loại hàng hóa mang các thương hiệu nổi tiếng thế giới nhưng có giá chỉ vài triệu, thậm chí vài trăm nghìn đồng.
Dịp cuối năm, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai tổ chức nhiều đợt ra quân nhằm xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, theo quan sát của phóng viên VOV thì hàng giả vẫn được bày bán công khai trên thị trường mà không hề bị lực lượng chức năng xử lý.
Chợ Cốc Lếu, thành phố Lào Cai là chợ đầu mối cho nhiều loại hàng hóa trung chuyển vào nội địa. Tại đây, quần áo, giày dép, điện thoại giả thương hiệu các hãng nổi tiếng như: Adidas, Nike, Samsung, iPhone được bày bán công khai. Giá các loại hàng hóa này chỉ bằng một nửa, thậm chí như chiếc điện thoại thương hiệu Vertu, hàng chính hãng loại rẻ cũng cả trăm triệu, nhưng tại chợ Cốc Lếu chỉ có giá 500.000 đồng. Lâu nay, tình trạng này diễn ra công khai tại chợ Cốc Lếu nhưng không bị xử lý.
Hàng giả được bày bán công khai tại chợ Cốc Lếu (Lào Cai).
Một người dân bày tỏ bức xúc: "Đây chắc chắn là hàng giả, hàng rởm, ở đây ai cũng biết. Khi về những cửa hàng lớn thì người mua khó mà phân biệt. Vì vậy, tôi đề nghị lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm".
Theo quy định, buôn bán hàng giả từ 30 triệu trở lên sẽ xử lý hình sự, để “lách” luật những hộ kinh doanh ở chợ Cốc Lếu thường bày bán hàng giả dưới 30 triệu đồng.
Ông Nguyễn Kiến Quốc, Quyền Đội trưởng Đội 1, Chi Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lào Cai cho biết, rất ít nhà sản xuất chính hãng đến phối hợp với lực lượng QLTT để phân biệt, xử lý hàng giả, hàng nhái. Trong năm qua, đơn vị mới chỉ xử lý 1 vụ vi phạm về hàng giả.
"Không tránh khỏi việc khi không thấy cơ quan QLTT thì người dân bày ra bán. Cũng do đặc thù biên giới cửa khẩu quy định theo diện cư dân được mua hàng xách tay, sau đó gom lại để bán nên nhiều khi vẫn tồn tại" - ông Nguyễn Kiến Quốc.
Việc xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại các huyện dọc biên giới ở Lào Cai còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Ở phiên chợ vùng cao huyện Si Ma Cai, nhan nhản các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, các loại bánh kẹo, nước ngọt không rõ ngồn gốc, chất lượng thấp tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vẫn được bày bán công khai.
Những chiếc điện thoại Vertu có giá chỉ 500.000 đồng
Thượng tá, Trịnh Minh Phú, Phó trưởng Công an huyện Si Ma Cai cho biết, hàng hóa kém chất lượng rất khó xử lý, loại hàng này chủ yếu được sản xuất tại huyện Vĩnh Tường, Thổ Tang, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo ông Trịnh Minh Phú: "Trong năm vừa rồi, chúng tôi đã xử lý vài trường hợp, nhưng chủ yếu vi phạm về hành chính. Đơn vị bàn giao cho lực lượng quản lý thị trường và y tế xử lý theo quy định vì chưa đủ yếu tố để xử lý hình sự".
Biết rõ nơi sản xuất nhưng không có hướng xử lý, đó là tình trạng không chỉ riêng ở Lào Cai, hiện nay tại các chợ ở Lạng Sơn, Móng Cái, Quảng Ninh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán công khai. Điều này cho thấy hiệu quả công tác của các cơ quan chức năng, mà ở đây chủ công là lực lượng quản lý thị trường tại khu vực giáp biên còn kém.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, muốn xử lý nghiêm hàng giả, hàng nhái thì vai trò của lực lượng QLTT là vô cùng quan trọng. "Bộ Công thương đang trình Chính phủ Nghị định xử lý vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực thương mại thay thế NĐ 185 để nâng cao hiệu quả cho xử lý vi phạm. Dự kiến đến Quý 2 năm 2019 sẽ ban hành sẽ hạn chế những bất cập".
Vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao. Đây cũng là dịp các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái lợi dụng trà trộn với hàng thật đánh lừa người tiêu dùng. Những chiếc quần áo, giày dép làm giả chính hãng được bày bán công khai ở khu vực biên giới một khi đã tuồn về nội địa thì người tiêu dùng có là tài thánh cũng khó phân biệt đâu là hàng thật, đâu là đồ rởm./.
Theo Mạnh Phương/VOV1