Một con số khiến nhiều người giật mình là trong 10 năm thực hiện có tới 90% số chủ xe ôtô tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) thì chỉ có 40% số chủ xe môtô mua loại hình bảo hiểm này cho dù đây là việc bắt buộc phải thực hiện theo quy định của luật pháp.
Hiện vẫn còn khoảng 30 triệu chủ phương tiện xe máy không mua bảo hiểm bắt buộc (ảnh minh họa). Ảnh: HẢI NGUYỄN
Để khắc phục vấn đề này, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và 214/2013/NĐ-CP theo hướng tăng trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp nhằm khuyến khích người dân tham gia.
Chỉ khi “có chuyện” mới nghĩ đến bảo hiểm bắt buộc
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ tháng 9.2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Sau 10 năm, hiện có 27 doanh nghiệp bảo hiểm.
Trong giai đoạn 10 năm, lượng xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới khoảng 110,3 triệu lượt xe các loại, trong đó: Xe môtô 2 bánh, xe môtô 3 bánh, xe gắn máy chiếm 84,9%; xe ôtô chiếm vào khoảng 10,1%.
Thế nhưng điều đáng nói là số lượng xe môtô gắn máy tham gia mua bảo hiểm quá thấp, chỉ 40%, có nghĩa là hơn một nửa số xe máy lưu thông hiện nay không có bảo hiểm bắt buộc.
Anh Hồng Anh - một đại lý bán bảo hiểm tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết: Mặc dù mức mua bảo hiểm cho xe máy không cao, chỉ vài chục nghìn/năm, nhưng rất ít chủ phương tiện mua định kỳ. Chủ yếu là người mua xe mới mua bảo hiểm cho… an tâm.
Còn ông Quang Hoàn - 53 tuổi ở Hà Đông - cũng tỏ ra “ngạc nhiên” khi hỏi về chuyện có mua bảo hiểm bắt buộc cho xe gắn máy hay không? “Tôi chưa bao giờ mua cả dù cũng có nhìn thấy bán bảo hiểm ở cây xăng hay một số đại lý khi đi đường. Thực tế thì tôi nghĩ cũng không cần thiết lắm vì nếu chẳng may mình va quệt thì cũng không mong gì dễ dàng nhận được bồi thường”.
Tâm lý coi nhẹ, hoặc không quan tâm rất phổ biến khiến tỉ lệ mua bảo hiểm thấp. Hầu hết chủ phương tiện khi bị lực lượng CSGT phạt và kiểm tra khi vi phạm giao thông mới “ớ người” và ngậm ngùi đóng tiền phạt.
“Tôi từng vi phạm luật giao thông, không đội mũ bảo hiểm. Khi bị kiểm tra tôi không có bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy, thế là phải bỏ 600.000 đồng tiền phạt. Từ đó, tôi năm nào cũng mua vì một phần đối phó khi bị CSGT bắt vi phạm, phần vì thấy cũng không nhiều nhặn gì mà khi bị phạt thì mức phạt tăng lên cả chục lần”- chị Khánh Linh một công chức tại Hà Nội chia sẻ.
Hiện vẫn còn 30 triệu xe máy không mua bảo hiểm bắt buộc.
Ngoài nghị định 103 bắt buộc chủ xe cơ giới phải mua bảo hiểm bắt buộc TNDS thì Điều 58 Luật Giao thông Đường bộ quy định, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ: Đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới…
Ngoài ra, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông cũng quy định phạt tiền từ 80.000 -120.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực. Phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng đối với người điều khiển xe ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ôtô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Theo thống kê của Bộ GTVT, hết tháng 3, cả nước đã có tới trên 55 triệu xe môtô, xe máy và gần 4 triệu ôtô đăng ký hoạt động. Như vậy, hiện có tới 30 triệu xe gắn máy không mua bảo hiểm bắt buộc và khoảng 400.000 xe ôtô không thực hiện nghĩa vụ này.
Tăng mức bồi thường
Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng nhận định: Kết quả thực hiện thời gian qua cũng cho thấy chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới vẫn còn những tồn tại, vướng mắc cả về chính sách, chế độ và công tác tổ chức, triển khai thực hiện.
Một trong những nguyên nhân là trong các quy định hiện hành chưa được quy định rõ dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe và giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan như phạm vi bồi thường thiệt hại (tai nạn giao thông hay mọi tai nạn do xe cơ giới gây ra); trường hợp loại trừ bảo hiểm khi lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện TNDS của chủ xe, lái xe; các khái niệm liên quan đến lái xe, người được bảo hiểm có thể gây khó khăn, phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện bồi thường bảo hiểm...
Ngoài ra, việc phối hợp tuyên truyền thông qua Quỹ xe cơ giới, một số DNBH còn chưa chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông tại các địa phương để tuyên truyền chế độ bảo hiểm bắt buộc cho người dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số và những nơi đi lại gặp nhiều khó khăn.
Với Nghị định dự thảo thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và 214/2013/NĐ-CP của Bộ Tài chính, các giải pháp đưa ra là cho phép bán bảo hiểm thông qua các phương tiện điện tử để người mua có thể dễ dàng tiếp cận. Đặc biệt, một điểm mới là Nghị định mới sẽ linh hoạt hơn về thời hạn bảo hiểm, theo hướng cho phép giao kết hợp đồng bảo hiểm có thời hạn dài hơn 1 năm đối với các loại xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy nhằm mục tiêu thúc đẩy việc triển khai bảo hiểm TNDS đối với xe môtô thay vì hợp đồng 1 năm hoặc dưới 1 năm như hiện tại.
Đối với việc bồi thường, nhằm phát huy tính chất nhân đạo của chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (đặc biệt đối với thiệt hại về tính mạng, thân thể), dự thảo quy định tăng mức bồi thường trong trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về bên thứ ba lên đến 70% mức bồi thường theo quy định.
Đồng thời DNBH phải thực hiện tạm ứng bồi thường thiệt hại về thân thể, tính mạng trong các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng - làm chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ít nhất một người với tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên.
Mức bồi thường bảo hiểm bắt buộc cao nhất là 100 triệu đồng/người/vụ Theo thông tư 22/2016/TT-BTC có hiệu lực từ 1.4.2016, mức trách nhiệm bảo được quy định cụ thể như sau: 1. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn. 2. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn. 3. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ôtô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào Mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ôtô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn. |
Theo Minh Bằng/Lao động