Với mức tăng trưởng lên tới 14,2%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (XK) hàng hóa của nước ta sau 10 tháng năm 2018 đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 8-10% trong năm 2018. Điều đáng nói là giá trị XK các doanh nghiệp (DN) trong nước đã vượt DN FDI.
Giá trị XK ước tăng 10-12%
Mặc dù còn 1,5 tháng nữa mới hết năm, nhưng số liệu thống kê cho thấy, XK đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam cả năm 2018 có thể đạt mức tăng trưởng 10-12%.
Tính đến thời điểm hiện tại kim ngạch XK hàng hóa của nước ta đã hoàn thành 84,6% mục tiêu XK của năm 2018.
Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch XK đạt khoảng 239-240 tỉ USD, trong đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 27,45 tỉ USD, tăng 5,3%; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 4,98 tỉ USD, tăng 3,8%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 197,11 tỉ USD, tăng 13%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu (NK) cả năm 2018 có thể đạt 237 tỉ USD, tăng 11,3% so với năm 2017. Cán cân thương mại năm 2018 có thể tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư với mức xuất siêu khoảng 2-3 tỉ USD.
Chiếu xạ vải để xuất khẩu. Ảnh: Khánh Vũ
Những mặt hàng bứt phá cuối năm
Theo Bộ Công thương, dự kiến trong những tháng cuối năm, một số mặt hàng có kim ngạch XK lớn sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Trong đó, XK thủy sản có nhiều cơ hội bởi mức thuế chống BPG với tôm và cá tra gần nhất giảm nhiều so với mức thuế công bố sơ bộ, tạo tâm lý tốt cho DN XK, giá nguyên liệu và giá XK có xu hướng tăng;
Nhu cầu NK của các nước tăng bình quân 10-20% trong các tháng cuối năm để phục vụ các dịp lễ, Tết, đặc biệt tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…;
Các đối thủ khó khăn về sản xuất và thị trường (Thái Lan ngừng NK tôm Ấn Độ làm Thái Lan giảm nguồn cung cho XK, Ấn Độ đang chịu tần suất kiểm tra 50% khi XK sang EU và có nguy cơ bị EU cấm...).
Do vậy, mặc dù vẫn gặp khó khăn về thẻ vàng IUU của EU và Chương trình giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ, dự báo XK thủy sản năm 2018 vẫn đạt kết quả như kế hoạch đầu năm với kim ngạch 9,05 tỉ USD, tăng 8,9% so với năm 2017.
Về mặt hàng rau quả,triển vọng XK dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới. Nguồn cung trong nước dồi dào, nhiều mặt hàng đang cho năng suất cao và vào vụ thu hoạch rộ như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít, xoài, thanh long, dưa hấu, bưởi, chuối… Dự báo, kim ngạch XK rau quả năm 2018 sẽ tăng khoảng 15,0% so với năm 2017.
Về mặt hàng gạo, dự kiến XK gạo cả năm 2018 có thể đạt 6,15 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,15 tỉ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về trị giá so với năm 2017. Trong những tháng cuối năm đang có tín hiệu NK của Indonesia, Philippines.
Trong đó, Philippines có khả năng NK với lượng lớn thông qua cả đấu thầu mở quốc tế và hợp đồng Chính phủ. Thị trường Cuba còn giao hợp đồng 200 nghìn tấn đã ký. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc có thể tiếp tục mở thầu. Bên cạnh đó, Nghị định 107/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2018 có thể tạo điều kiện giúp XK tăng.
XK trong nước vượt khối FDI
Cũng theo Bộ Công thương, một yếu tố quan trọng đẩy giá trị XK tăng cao nhờ vào XK của khối DN trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Nếu như những năm trước đây, XK của khối DN FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối DN trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã duy trì cao hơn khối FDI.
Trong 10 tháng đầu năm 2018, khối DN trong nước XK khoảng 56,8 tỉ USD, tăng 16,8%, cao hơn mức tăng trưởng XK chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối DN FDI.
Theo KH.V/Lao Động