Trên cơ sở nhiều yếu tố thuận lợi, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 lên 6,83%.
Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), tiếp tục xu hướng tích cực của năm 2017, các chỉ số kinh tế quý 1/2018 có bước tiến bộ vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Đây là điểm nổi bật so với nhiều năm trở lại đây.
“Cùng với sự phục hồi của lĩnh vực nông nghiệp, sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng 2 tháng đầu năm trên 17% vẫn là yếu tố chính đóng góp vào mức tăng trưởng chung của quý 1. Riêng Samsung, với việc gia tăng sản xuất và xuất khẩu hơn 5 triệu sản phẩm so với cùng kỳ năm ngoái đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo”, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và dự báo, NCIF nhận định.
Sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có đóng góp tích cực tới tăng trưởng kinh tế trong nước (Ảnh minh họa: KT)
Theo TS Đặng Đức Anh, một yếu tố nữa giúp GDP quý 1 năm nay đạt mức tăng trưởng khả quan là do Formosa đã đưa vào vận hành lò cao số 1 nâng sản lượng lên 400.000 tấn thép thô. Dự kiến, sản lượng của Formosa sẽ tăng lên 1 triệu tấn khi đưa vào vận hành lò cao số 2 trong giai đoạn tới, tiếp tục tác động tích cực đến tăng trưởng chung của ngành.
Trên cơ sở tăng trưởng GDP quý 1/2018 dự kiến đạt 6,23%, tăng mạnh so với mức 5,15% của cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 được NCIF điều chỉnh dự báo lên 6,83%, tức là cao hơn tới 12 điểm phần trăm so với kịch bản đưa ra hồi cuối năm 2017 (6,71%).
Đáng chú ý, kịch bản tăng trưởng cơ sở các quý được NCIF nhận định là sẽ tăng dần đều, chứ không có sự chênh lệch nhiều như trong năm 2017. Theo đó, dự báo mức tăng trưởng GDP trong quý 2 sẽ là 6,61%, quý 3 là 6,98% và quý 4 chốt hạ ở mức 7,21%. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dự báo sẽ tăng trưởng 7,96% cả năm, với mức ấn tượng 8,14 - 8,36% trong quý 3 và quý 4. Lĩnh vực dịch vụ cũng không kém cạnh với mức tăng trưởng dự báo đạt 7,52% trong năm 2018.
TS Đặng Đức Anh: "Quan sát đến thời điểm này, có thể thấy, bối cảnh kinh tế năm 2018 đang có nhiều triển vọng khá lạc quan" |
Cũng theo TS Đặng Đức Anh, ba yếu tố lớn được dự báo sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế trong các quý tới là việc Chính phủ rất quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh và kiên định ổn định chính sách vĩ mô sẽ tăng chỉ số niềm tin của các khu vực doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó tăng đầu tư sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập thị trường; đồng thời, thu hút dòng vốn trực tiếp và gián tiếp vào dòng chảy của nền kinh tế nhiều hơn.
Bên cạnh đó, các dự án lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được tiếp tục triển khai hiệu quả cùng với hiệu ứng tích cực của việc ký kết Hiệp định CPTPP sẽ mang lại những tác động lan tỏa tích cực tới đầu tư thương mại.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý một số rủi ro, thách thức với nền kinh tế trong năm 2018. Đó là, mặc dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, song đang chịu áp lực rất lớn từ xu hướng điều chỉnh giá dịch vụ công, diễn biến giá trên thị trường quốc tế và điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Dấu hiệu tăng mạnh chỉ số giá tiêu dùng ngay từ hai tháng đầu năm cần theo dõi sát sao, bởi với việc điều chỉnh cập nhật mức tăng trưởng lên, nếu không có biện pháp kiểm soát thì lạm phát rất có thể sẽ tăng trên mức 4,5%, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế cũng như các cân đối cán cân kinh tế.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp đang và sẽ là yếu tố tác động tiêu cực đến tăng trưởng, nếu không có giải pháp thúc đẩy giải ngân. Ngoài ra, những tác động từ việc tăng thuế môi trường, tăng thuế VAT theo đề xuất của Bộ Tài chính tuy vẫn chưa có số liệu nghiên cứu chính thức, song theo tính toán của NCIF rất có thể sẽ làm giảm từ 0,9 - 1 điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng.
Các chuyên gia cũng cảnh báo chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân của chính quyền Tổng thống Donald Trump rất có thể dẫn tới sự sụt giảm của dòng vốn FDI thế giới và tác động một phần tới FDI của Mỹ vào Việt Nam, do dòng vốn sẽ chuyển hướng vào Mỹ. Ngoài ra, chính sách tăng thuế nhập khẩu thép của Mỹ sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu thép của Việt Nam vào Mỹ, vốn là thị trường chiếm tới 11% kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam./.
Theo Diệp Diệp/VOV.VN