Nếu xóa nợ thuế, phải đảm bảo công bằng, minh bạch, tránh xảy ra chung chia để hưởng lợi.
Sau khi Dự thảo tờ trình về dự án Nghị quyết của Quốc hội về xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi; với tổng số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị xóa ước khoảng 26.500 tỷ đồng của Bộ Tài chính được đưa ra lấy ý kiến, nhiều ý kiến đồng tình việc xóa nợ thuế là cần thiết. Bởi trong nhiều trường hợp, những doanh nghiệp đã phá sản, đã bị thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh thì dù không xóa nợ, khả năng thu hồi được cũng gần như bằng không.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn đó là việc xóa nợ thuế này cần được diễn ra một cách công bằng, minh bạch, tránh chuyện thông đồng giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp (DN).
Xóa nợ thuế phải thật công bằng, minh bạch (Ảnh minh họa: KT)
Rà soát từng trường hợp
GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Luật Quản lý thuế quy định, DN bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định, không còn tài sản để nộp tiền thuế; hay người bị coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế thì được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt. Có những DN “mất tích”, “liệt” cả chục năm, số thuế không thu được ngày càng chồng chất, không thể thu được, là gánh nặng lên hệ thống thuế.
“Xóa nợ thuế có thể góp phần làm minh bạch hệ thống thuế. Nhưng chỉ có thể làm khi việc xóa nợ được xem xét, mổ xẻ minh bạch, công khai, không được theo kiểu chung chung, cũng không được phân biệt DN nhà nước và tư nhân; tránh lợi dụng”, GS.TS Đặng Đình Đào cho biết.
GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh minh họa: KT) |
GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, nếu chỉ đơn thuần xóa món nợ thuế của những DN đã chết thực sự, thì sẽ không có bất bình đẳng giữa các DN đang hoạt động. Vấn đề là, liệu có những DN đang hoạt động được hưởng lợi từ việc xóa thuế trong khi những DN khác không được hưởng lợi? Do vậy, cần có thông tin cụ thể, tiêu chí rõ ràng để biết cụ thể ai đang hưởng lợi.
“Điều quan trọng nhất là nguyên nhân thực sự đằng sau những “cái chết” của DN. Để có phương án xóa nợ thuế hợp lý, Bộ Tài chính nên rà soát lại một cách chặt chẽ, khách quan và khoa học từng trường hợp cụ thể trước khi có quyết định xóa nợ cuối cùng để đảm bảo sự công bằng, minh bạch, tránh tình trạng lạm dụng”, GS.TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.
Cần kiểm soát chặt
Theo ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, việc xóa khoản nợ thuế 26.500 tỷ đồng như Bộ Tài chính đề xuất là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi phần lớn đó là những khoản nợ tồn đọng trong thời gian rất dài, không thể đòi được.
Xóa được những khoản nợ thuế này sẽ tạo điều kiện cho DN đang hoạt động mà không thể nộp trả nợ thuế do điều kiện khách quan làm trong sạch được bảng tổng kết tài sản; tạo điều kiện cho DN tiếp tục kinh doanh, tiếp cận được vốn vay, đối tác…
Tuy nhiên, theo ông Nhã, việc xóa nợ cần được diễn ra thật minh bạch, công bằng để đảm bảo vừa doanh nghiệp dứt điểm làm sạch bản cân đối ngân sách tài chính nhưng cũng không tạo thành những tiền lệ xấu.
“Việc xóa nợ thuế phải làm thật trung thực, tránh tuyệt đối mọi sự lạm dụng, so bì, lợi ích nhóm, hiện tượng lót tay chung chia giữa người nộp thuế với người quản lý thuế, không để lợi ích nhóm lợi dụng chính sách. Cần tránh được tiền lệ, lách luật để xóa nợ thuế”, ông Nhã nhấn mạnh.
Ông Đinh Văn Nhã cho rằng, cần đưa ra một số nguyên tắc để rà soát lại đối tượng nộp thuế và các khoản nợ thật chặt chẽ, giao và quy trách nhiệm trực tiếp cho người thực hiện, đảm bảo việc này được xử lý công bằng, khách quan, công tâm, không thiên vị.
"Cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn. Thực tế thời gian vừa rồi vẫn còn tình trạng kiểm soát còn chưa chặt chẽ, lỏng lẻo xuất hiện nhiều tiêu cực, không riêng gì nợ thuế mà còn việc mua bán hóa đơn tràn lan. Qua đây cũng cần phải rút kinh nghiệm. Cần kiểm tra chéo hay có thêm đơn vị như kiểm toán vào cuộc. Qua đó, xem xét xem khoản nợ này có đúng, có khách quan không. Nhất thiết phải có cơ chế làm sao kiểm soát chặt chẽ, tránh lạm dụng chính sách và thông đồng để trục lợi", ông Nhã nêu quan điểm./.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN