Trong bối cảnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ gặp nhiều trắc trở, châu Âu đang dành sự quan tâm đặc biệt đến các thỏa thuận thương mại tự do với nhiều đối tác khác, trong đó có Việt Nam.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Đức, Giám đốc khu vực ASEAN của Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương (OAV), tiến sỹ Daniel Müller cho rằng Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) trong thời gian tới.
EVFTA là hiệp định thương mại tự do toàn diện đầu tiên của EU với một nước đang phát triển ở châu Á. Công tác đàm phán bắt đầu từ tháng 6/2012 và đã hoàn tất vào tháng 12/2015.
Nội dung thỏa thuận của EVFTA tương tự như các Hiệp định tự do thương mại (FTA) khác mà EU đàm phán với các nước châu Á như Nhật Bản, Indonesia, Singapore.
[Nghị viện châu Âu thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam]
Mặc dù quá trình đàm phán hiệp định đã hoàn tất song các bên vẫn cần thêm thời gian cho việc rà soát pháp lý và phê chuẩn. Vì là một hiệp định hỗn hợp, việc phê chuẩn cần phải được cả Hội đồng châu Âu (EC), Nghị viện châu Âu (EP) cũng như toàn bộ các nước thành viên EU thông qua.
Cùng với Việt Nam và Singapore, EU cũng đã nhanh chóng hoàn thành dự thảo Hiệp định Thương mại tự do với Nhật Bản (JEFTA). Đây cũng có thể coi là bài học với các nước khác trong việc thúc đẩy tiến trình ký kết hiệp định thương mại tự do với EU, trong đó có Việt Nam.
Đánh giá về cơ hội với Việt Nam từ kinh nghiệm của Nhật Bản, tiến sỹ Müller nhận định rằng trong bối cảnh hiện tại, hai bên đang đứng trước cơ hội sớm ký kết EVFTA. Theo ông Müller, EU và các nước khác như Nhật Bản, Singapore, Việt Nam... đều có mối quan tâm lớn đến một hiệp định thương mại tự do, đặc biệt khi Mỹ đang tăng cường thực hiện chính sách bảo hộ thương mại, rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và từ chối giải quyết những cuộc khủng hoảng chung trong thương mại tự do đa phương.
Với EVFTA, giữa Việt Nam và EU đã có sự đồng thuận cơ bản từ năm 2015 và giờ là lúc cần có sự phê chuẩn từ hai bên. Việt Nam và EU có thể lấy trường hợp của Nhật Bản và Singapore làm bài học để có hướng xử lý phù hợp, qua đó thúc đẩy tiến trình ký kết EVFTA, trong đó ưu tiên phần liên quan đến thương mại. Việt Nam cũng cần quan tâm xử lý một số bất cập về quản lý đã được EU đề cập, theo hướng tiếp nhận các quy định và thông lệ quốc tế./.
Theo TTXVN/Vietnam+