Vượt qua cạnh tranh, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may ước đạt 44 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới sau Ấn Độ, mở ra cơ hội tăng trưởng trong tương lai.
Năm 2024, dệt may Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Ảnh minh họa: ITN
Gió đã “đổi chiều”
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa báo cáo về tình hình hoạt động, kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2024, mong muốn tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ cán đích khoảng 44 tỷ USD.
Việt Nam chỉ xếp sau Ấn Độ khi nước này đạt tăng trưởng gần 7%. Trung Quốc có tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 273,4 tỷ USD, chỉ tăng 2%; tiếp đến Bangladesh có mức tăng trưởng xuất khẩu giảm đạt 27,7 tỷ USD.
“Dựa trên kịch bản tăng trưởng tổng cầu dệt may thế giới năm 2025 ở mức cơ sở (đạt khoảng 850 tỷ USD), cũng như khả năng phục hồi ngành dệt may của Bangladesh, Vinatex đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2025 sẽ tăng trưởng từ 5% - 6% so với năm 2024, tương đương đạt 45,5 - 46 tỷ USD”, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh văn phòng Vinatex cho biết.
Ghi nhận, 6 tháng đầu năm 2024, thị trường ngành dệt may Việt Nam gánh chịu dư địa khó khăn của 2023. Trong 6 tháng cuối năm bất ngờ có những chuyển biến và thay đổi rõ rệt.
Những biến động, xung đột về chính trị, thay đổi tại nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới đã đem về cho Việt Nam nhiều dự án, đơn hàng mới. Doanh thu hợp nhất năm 2024 ước đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 2,8%. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2023. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 10,3 triệu đồng/tháng, tăng 8,9%. Tập đoàn và ngành dệt may vẫn giữ được đà tăng trưởng và không có đơn vị nào lỗ.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex, nửa cuối năm 2024 thị trường ngành dệt may có sự “đổi chiều” do bất ngờ về bất ổn chính trị ở một số quốc gia đối thủ, khiến khách hàng dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam.
Cùng với đó là sự nỗ lực của toàn tập đoàn, các đơn vị kinh doanh sản xuất ngành may mặc. Đơn cử, Vinatex đã đàm phán và ký hợp tác với Tập đoàn COATS (Anh) với các sản phẩm đặc biệt, kỹ thuật cao như vải và trang phục chống cháy.
Tập trung tìm kiếm thị trường mới, nghiên cứu phát triển các loại sợi lõi Filament, sợi pha mới. Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu xanh hóa trong ngành dệt may.
Hướng tới khu công nghiệp dệt may xanh kiểu mẫu, Vinatex đã đầu tư thêm nhà máy xử lý nước thải số 2 công suất 8.000 m3/ngày đêm bên cạnh Nhà máy xử lý nước thải số 1 công suất 10.000 m3/ngày đêm cho ngành dệt nhuộm tại Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối Hưng Yên.
Tập đoàn tái cơ cấu một số nhà máy, hoạt động khảo sát, đánh giá hệ thống sản xuất và máy móc thiết bị công nghệ được thực hiện tại các đơn vị bước đầu có hiệu quả…
Đổi mới cách thức quản lý, đánh giá người đại diện vốn tại các doanh nghiệp, tạo mạng lưới kết nối giữa các đơn vị trong tập đoàn thông qua người đại diện vốn nhằm chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm quản trị…
Ngành dệt may Việt Nam đã chuẩn bị kịch bản nào để giữ đà tăng trưởng ổn định vào năm 2025. Ảnh minh họa: ITN
Kế hoạch nào để đạt 46 tỷ USD năm 2025?
Ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh văn phòng Vinatex cho biết, thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU phục hồi kinh tế, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng đang tạo cơ hội cho ngành dệt may tăng trưởng tốt.
Doanh thu hợp nhất của Vinatex năm 2024 đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 2,8%, lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2023, thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,9% so với năm 2023.
Theo ông Cầm, việc dịch chuyển các đơn hàng từ Bangladesh đến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mở ra cơ hội nhưng cũng đầy thách thức.
Ông Cầm lý giải, chi phí lao động, tiền lương của Bangladesh ở mức thấp, chỉ bằng 30% của Việt Nam, dao động 100 - 120 USD/tháng, trong khi Việt Nam là 400 USD/tháng. Vì vậy, các đơn hàng có giá trị gia tăng không nhiều, song những đơn hàng này mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp làm các mặt hàng cơ bản. Nhờ tranh thủ được một lượng đáng kể đơn hàng, vì vậy năm 2024 doanh số cán mốc 44 tỷ USD, tăng trưởng 11%.
Thời điểm này, tín hiệu vui, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến hết quý I/2025, một số doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 4 và 5/2025.
Các chuyên gia trong ngành dệt may nhận định, những biến động chính trị đang gây ảnh hưởng đến Bangladesh, tuy nhiên quốc gia này đang phục hồi đơn hàng xuất khẩu nhanh.
Vì vậy, ngành dệt may Việt Nam không quá kỳ vọng và trông chờ vào đơn hàng từ nước này. Thứ nữa, nhiều đơn hàng dệt may có giá trị không lớn. Công tác dự báo thị trường phải được thực hiện thường xuyên…
Nhận định, biến động lao động sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2025 ở cả ngành may và sợi. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… một số thị trường ngành dệt may mới cũng được mở ra khiến lao động phân tán.
Khuyến cáo, để đảm bảo kinh doanh sản xuất ổn định, cho giá trị lợi nhuận cao, các doanh nghiệp Việt phải chủ động tập trung khai thác các đơn hàng từ nhiều thị trường khác.
Sắp tới, Mỹ có thể thực hiện chính sách áp thuế với hàng xuất khẩu từ 10 - 20%, Việt Nam không loại trừ khả năng phải chịu thêm 10% thuế với hàng xuất khẩu vào thị trường này.
“Thị phần dệt may Việt Nam tại Mỹ hiện chiếm gần 20%, trong khi Trung Quốc luôn dẫn đầu với thị phần trên 20%, Sắp tới, hàng dệt may của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ có thể phải chịu 60% thuế. Kỳ vọng dệt may Việt Nam có thể giành lại thị phần tốt hơn tại Mỹ nếu làm tốt, nhất là tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ, truy xuất chuỗi cung ứng”, ông Hoàng Mạnh Cầm thông tin.
Tổng Giám đốc Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh rằng năm 2025, Vinatex sẽ tập trung vào 6 định hướng quản trị quan trọng trong toàn hệ thống để đảm bảo thích nghi trong bối cảnh biến động.
Đó là: Quản trị kế hoạch sản xuất kinh doanh có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực trạng; Hình thành năng lực cạnh tranh cấp tập đoàn trong giai đoạn mới; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động; Kiên định mục tiêu “Một điểm đến - cung ứng giải pháp thời trang xanh trọn gói”; Tăng cường công tác quản trị rủi ro; Tiếp tục hoàn thiện nền tảng vận hành trên môi trường số.
Vinatex cho biết, sẽ luôn đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp và người lao động nhằm duy trì mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ, đóng góp vào kết quả chung của tập đoàn.
Có hơn 1.990 cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành dệt may được Công đoàn Vinatex tặng quà Tết bằng tiền và hiện vật; có 655 người lao động được hỗ trợ tấm vé nghĩa tình về quê đón Tết; có 129 gian hàng ưu đãi giảm giá, gian hàng 0 đồng, lợi ích mang đến cho người lao động dự kiến là hơn 4,5 tỷ đồng. Lương tháng 13 và thưởng Tết năm 2025 cho người lao động trong hệ thống ước bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người. |
Theo Hà Long/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/det-may-viet-nam-nam-2025-kich-ban-nao-de-giu-da-tang-truong-post714128.html