Tăng giá bán góp phần thúc đẩy doanh thu bia Sài Gòn tăng trưởng so với cùng kỳ, biên lãi gộp tốt hơn. Nhưng đi kèm là lo ngại về yếu tố cạnh tranh và suy giảm thị phần.
Một số đơn vị dự báo chủ hãng bia Sài Gòn sẽ ngừng tăng giá bán trong năm nay và năm 2025 khi sức mua thị trường còn yếu - Ảnh: SAB
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2024 vừa công bố, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB) ghi nhận hơn 7.737 tỉ đồng doanh thu, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ban lãnh đạo Sabeco giải thích, nền kinh tế được cải thiện trong bối cảnh nghị định 100 vẫn thực thi nghiêm ngặt và sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Dù vậy, doanh thu thuần cao hơn cùng kỳ chủ yếu nhờ tác động tích cực của việc tăng giá, phía Sabeco cho hay.
Ngoài ra theo doanh nghiệp, lợi nhuận ròng kỳ này cũng cao hơn do lợi nhuận gộp cao hơn và chi phí bán hàng thấp hơn.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy lợi nhuận gộp trong quý 3 của Sabeco đạt 2.278 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Hàng loạt chi phí như lãi vay, bán hàng đều được tiết giảm.
Kết quả, dù lãi từ tiền gửi ngân hàng giảm, phần lãi từ công ty liên kết cũng đi xuống, Sabeco vẫn báo lãi sau thuế đạt 1.161 tỉ đồng, tăng gần 8%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, chủ thương hiệu bia Sài Gòn đạt doanh thu thuần 22.939 tỉ đồng, tăng gần 5% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của Sabeco đạt 3.504 tỉ đồng, tăng 6,5%.
Trong các báo cáo phân tích về triển vọng với cổ phiếu SAB của Sabeco, nhiều công ty chứng khoán cũng đề cập đến xu hướng tăng giá bán của "ông lớn" ngành bia này cũng như các doanh nghiệp cùng ngành khác.
Theo đội ngũ phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS), trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ bia có sự biến động mạnh, động lực chính cho ngành bia Việt Nam là sự gia tăng giá bán bia bình quân, được hỗ trợ bởi sự cải thiện về cơ cấu sản phẩm và tăng giá sản phẩm bia.
Dữ liệu từ Euromonitor chỉ ra, từ năm 2016 - 2023, giá bán bia bình quân tại Việt Nam đã tăng 35% và tốc độ tăng giá bia vượt trội hơn so với CPI tương ứng.
Đến năm 2022, do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng đáng kể, ngành bia đã chứng kiến mức tăng giá trên diện rộng.
Tuy nhiên, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành, PHS cho rằng thị trường bia sẽ có ít cơ hội để tiếp tục tăng giá trực tiếp. Thay vào đó, cải thiện cơ cấu sản phẩm sẽ trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng của giá bán bia bình quân.
Chuyên gia PHS chỉ ra việc thâm nhập vào phân khúc bia cao cấp, cận cao cấp giúp Sabeco gián tiếp tăng giá sản phẩm bình quân, qua đó giữ vững được biên lợi nhuận.
FPTS - một công ty chứng khoán khác - chỉ ra việc Sabeco liên tục tăng giá bán trong giai đoạn 2021-2023 giúp biên lợi nhuận gộp mảng bia ít biến động mạnh trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào gia tăng với biên độ lớn.
Tuy nhiên, việc tăng giá bán cũng sẽ gây tác động tiêu cực đến thị phần tiêu thụ của doanh nghiệp khi cạnh tranh trong ngành bia ngày càng gay gắt.
Bia Sài Gòn sắp thâu tóm chủ hãng bia Sagota PHS cho biết SAB là doanh nghiệp đứng thứ hai về ngành sản xuất bia tại Việt Nam, chiếm khoảng 34% tổng sản lượng tiêu thụ bia trên toàn thị trường. Đồng thời, việc thâu tóm Sabibeco - chủ hãng bia Sagota, được kỳ vọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho SAB và gia tăng công suất sản xuất SAB lên mức 3,01 tỉ lít bia/năm. |
Theo Bình Khánh/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/siet-chat-nong-do-con-chu-hang-bia-sai-gon-noi-doanh-thu-cao-hon-nho-tang-gia-2024103109040722.htm