Các đề xuất của hai thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc tại hội đàm ngày 13-10 cùng những văn kiện được trao sau đó được kỳ vọng sẽ giúp hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản, tiến sâu hơn vào thị trường tỉ dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường gặp các sinh viên, thế hệ trẻ Việt Nam chào đón hai ông ngày 13-10 - Ảnh: DANH KHANG
Trong cuộc hội kiến tối 12-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Lý Cường đã nhất trí ưu tiên thúc đẩy hợp tác kết nối đường sắt.
Vấn đề này sau đó tiếp tục được nêu ra tại cuộc hội đàm ngày 13-10 giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường cùng nhiều đề xuất khác trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch…
Tăng cường kết nối giao thông
Thời gian qua, việc hợp tác kết nối giao thông, trong đó có đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc, đã sôi động trở lại. Đáng chú ý trong đó dự án ba tuyến đường sắt kết nối miền Bắc Việt Nam với Trung Quốc là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Tại hội đàm ngày 13-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các văn kiện về hợp tác đường sắt đã ký kết, hợp tác phát triển ngành công nghiệp đường sắt hiện đại.
Đi vào cụ thể, ông đề nghị Trung Quốc cung cấp vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực để triển khai ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn nói trên.
Để giao thương hai nước thuận lợi hơn nữa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng cần nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu, thúc đẩy nâng cấp "kết nối mềm" về hải quan thông minh.
Ngoài ra cần tích cực phối hợp nghiên cứu, đề xuất các mô hình mới để triển khai hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Tán thành và đánh giá cao các đề xuất hợp tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lý Cường khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông thủy sản, hoa quả chất lượng cao và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa cũng như giải quyết vướng mắc về chính sách.
Ông Lý cũng đề nghị hai bên tăng cường kết nối chiến lược, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông; thúc đẩy hợp tác về kinh tế - thương mại, đầu tư, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, nông nghiệp, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
Thực tế tại tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc diễn ra trong ngày 13-10, với sự tham dự của hai thủ tướng đã cho thấy rõ mong muốn của các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo đó, họ mong được tham gia các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam như các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam của Việt Nam.
Đồng thời họ cũng muốn có hợp tác trong xây dựng thành phố thông minh, sản xuất thông minh, xây dựng các trung tâm dữ liệu, phát triển thương mại điện tử… để cùng Việt Nam phát triển xanh, bền vững.
Lợi ích cho cả hai nước và khu vực
Các nước như Việt Nam, theo tờ The Economist, hấp dẫn các công ty đường sắt Trung Quốc bởi hệ thống đường sắt quốc gia của nước này đã gần như hoàn chỉnh và hiện đại. Phần lớn 10 văn kiện được trao hôm 13-10 dưới sự chứng kiến của hai thủ tướng là trong lĩnh vực "kết nối cứng" và "kết nối mềm" hai nền kinh tế.
Có hai văn kiện đáng chú ý trong hợp tác đường sắt là bản ghi nhớ (MoU) về phương án kỹ thuật kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); biên bản khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Hai MoU này là minh chứng cụ thể cho đánh giá trước đó của hai thủ tướng tại hội đàm là kết nối chiến lược giữa hai nước, nhất là kết nối giao thông, thời gian qua đã được đẩy nhanh. Đồng thời, các MoU này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tháo gỡ những vướng mắc, tăng vận chuyển hàng hóa giữa hai nước thời gian tới.
Từ khi tuyến đường sắt liên vận đầu tiên hoạt động vào năm 2017, đến nay Việt Nam và Trung Quốc đã có ba tuyến đường sắt liên vận quốc tế. Song do khó khăn về hạ tầng, nhất là khác biệt về khổ đường sắt nên việc vận chuyển chưa đáp ứng được nhu cầu.
Lợi ích là mang tính hai chiều. Với Việt Nam là cơ hội nâng cấp hạ tầng đường sắt, mở đường cho hàng hóa, nhất là nông sản, đi vào thị trường Trung Quốc nhanh hơn với chi phí rẻ hơn.
Ở chiều ngược lại, theo đánh giá của tờ The Economist, việc cải thiện vận chuyển hàng hóa sẽ có lợi cho các công ty Trung Quốc đang chuyển nhà máy đến Việt Nam và Đông Nam Á.
Chẳng hạn, linh kiện điện tử từ Trung Quốc có thể được cung cấp kịp thời cho các nhà máy lắp ráp điện tử tại Việt Nam.
Hàng hóa ở các tỉnh phía nam Trung Quốc cũng sẽ được vận chuyển đến thành phố biển Hải Phòng, từ đó tỏa ra thế giới với chi phí và thời gian ít hơn do các cảng của Hải Phòng nằm gần những tỉnh này hơn nhiều so với các cảng ở phía đông của Trung Quốc.
"Kết nối mềm" để tăng hiệu quả vận chuyển Cũng tại Hà Nội ngày 13-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chứng kiến việc trao MoU thành lập nhóm công tác nghiên cứu mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc; kế hoạch hành động giữa hải quan hai bên sau thỏa thuận công nhận "doanh nghiệp ưu tiên" lẫn nhau và MoU về triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam - Trung Quốc. Đây là những văn kiện góp phần tăng "kết nối mềm" giữa hai nền kinh tế, góp phần cùng "kết nối cứng" là đường sắt tăng hiệu quả vận chuyển hàng hóa giữa hai nước, nhất là nông sản, linh kiện điện tử, thiết bị cơ khí cho sản xuất và tiêu dùng trong thời gian tới. |
Theo Duy Linh/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/hang-viet-se-tien-sau-hon-vao-trung-quoc-20241013215223256.htm