Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), sau 6 ngày giảm liên tiếp, đóng cửa giao dịch ngày đầu tuần (22/7), sắc xanh đã quay lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới.
Nhiều mặt hàng nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp giá đồng loạt phục hồi tích cực kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,54% lên 2.181 điểm.
Giá đậu tương bật tăng từ vùng đáy trong 4 năm
Trong ngày giao dịch hôm qua, thị trường nông sản hồi phục mạnh mẽ, trong đó đậu tương là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm. Sau khi chạm mức thấp nhất kể từ năm 2020 vào cuối tuần trước, giá đậu tương đã bật tăng 3,16% khi đóng cửa. Lực mua kỹ thuật của thị trường cùng nhiều thay đổi trên chính trường nước Mỹ là những yếu tố chính giúp giá đậu tương quay đầu đi lên. Giá khô đậu tương và dầu đậu tương cũng tăng khoảng 2%.
Tuần trước, thị trường lo ngại về khả năng cựu Tổng thống Donald Trump sẽ chiến thắng trước Tổng thống đương nhiệm Joe Biden trong cuộc bầu cử năm nay. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi ông Joe Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua tổng thống và đề cử Phó Tổng thống Kamala Harris cho vị trí ứng viên của đảng Dân chủ. Điều này đã làm xoay chuyển cục diện chính trường nước Mỹ, thúc đẩy lực mua quay lại thị trường đậu tương.
Trong báo cáo Giao hàng Xuất khẩu (Export Inspections) tối qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, nước này đã giao hơn 327.000 tấn đậu tương trong tuần 12-18/7, tăng gần gấp đôi so một tuần trước đó. Điều này cho thấy nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ đã tăng trở lại, góp phần hỗ trợ giá mặt hàng này trong phiên hôm qua.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào ngày hôm qua (22/7), giá chào khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta có xu hướng tăng nhẹ so với tuần trước. Tại cảng Cái Lân, giá chào bán khô đậu tương kỳ hạn tháng 11 và 12 năm nay dao động quanh mức 11.400 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn, dao động quanh mức 11.250 đồng/kg.
Giá cà-phê Arabica hồi phục sau ba phiên suy yếu
Đóng cửa giao dịch ngày 22/7, sau ba phiên giảm liên tiếp trước, giá cà-phê Arabica đã quay đầu tăng 2,04%; giá cà-phê Robusta cũng tăng 1,13% lên 4.581 USD/tấn. Tỷ giá USD/BRL suy yếu là yếu tố chính hỗ trợ giá cà-phê trong phiên hôm qua.
Chỉ số Dollar Index suy yếu, trong khi đồng Real nội địa của Brazil mạnh lên đã khiến tỷ giá USD/BRL giảm mạnh 0,31%. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp đã hạn chế nhu cầu đẩy mạnh bán cà-phê của nông dân, từ đó hỗ trợ giá tăng.
Ngoài ra, giới môi giới quốc tế lo ngại, Brazil không thể giải quyết vấn đề cung cầu thu hẹp do triển vọng nguồn cung vụ 2024-2025 không tích cực như những gì đã kỳ vọng.
Gần đây nhất, hãng tư vấn Safras & Mercado ước tính sản lượng cà-phê vụ 2024-2025 của Brazil giảm xuống 66,04 triệu bao loại 60kg, từ mức 70,37 triệu bao như ước tính ban đầu. Đồng thời, Ngân hàng Rabobank cũng giảm 2,7 triệu bao cà-phê dự báo cho vụ 2024-2025 tại quốc gia Nam Mỹ so dự đoán ban đầu, xuống còn 67,1 triệu bao.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (23/7), giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ diễn biến đồng pha với giá thế giới khi tăng so ngày hôm qua, hiện dao động quanh 127.300-127.900 đồng/kg.
Theo Nhân dân Online
https://nhandan.vn/thi-truong-hang-hoa-nguyen-lieu-the-gioi-hoi-phuc-tich-cuc-post820586.html