H.Sông Mã (tỉnh Sơn La) có hơn 7.700 ha trồng nhãn, là thủ phủ nhãn lớn nhất ở miền Bắc nhưng do mất mùa, nhiều cơ sở chế biến long nhãn sấy khô xuất khẩu không có nguyên liệu sản xuất, phải nhập khẩu nhãn Thái Lan.
Chủ vườn chọn thương lái
Mùa thu hoạch, tiêu thụ nhãn ở H.Sông Mã năm nay có nhiều "chuyện lạ". Giá nhãn cao từ đầu vụ và không bị "sập" nhanh như mọi năm. Sản lượng nhãn ít khiến thương lái khó gom hàng hơn trong khi chủ vườn "đủng đỉnh" thu hoạch để chờ giá lên cao.
Nhãn Sông Mã (tỉnh Sơn La), thủ phủ trồng nhãn tại miền Bắc, năm nay dễ bán, được giá cao. HẠ MINH
Ông Lường Văn Mười, chủ vườn nhãn ở bản Huổi Bó (xã Chiềng Khoong), cho biết thời tiết năm nay khắc nghiệt từ lúc cây nhãn ra hoa cho đến ngày thu hoạch. Cụ thể, ở thời điểm cây nhãn rộ hoa thì gặp thời tiết bất lợi nên tỷ lệ đậu quả rất thấp. Sau đó, nắng nóng dài ngày, nhiều vườn bị hạn hán, không có nước tưới khiến nhiều vườn nhãn tiếp tục bị rụng quả.
"Sản lượng nhãn năm nay ở xã Chiềng Khoong chỉ bằng 30% so với năm ngoái thôi, bù lại giá bán nhãn ngay từ đầu mùa cao nhất trong nhiều năm gần đây và giá rất ổn định, không giảm nhanh như mọi năm", ông Mười nói.
Trong khi nhiều hộ ngậm ngùi, cả năm thu nhập trông vào cây nhãn nhưng lại mất mùa, gia đình ông Lường Văn Mười lại thắng lớn. 600 gốc nhãn chỉ có 3 gốc là "quả ra lẹt đẹt", tổng sản lượng thu hoạch khoảng 13 tấn, không thua kém so với mùa vụ năm 2023 và bán được giá cao.
Cũng theo ông Lường Văn Mười, vườn nhãn của gia đình may mắn có tỷ lệ đậu quả cao, do đã chủ động đầu tư hệ thống máy bơm nước tưới đến từng gốc nhãn nên gần như không bị thiệt hại do thời tiết nắng nóng, hạn hán. "Giá bán nhãn ngay tại vườn từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất, thuê nhân công vẫn có lãi hàng trăm triệu đồng", ông Mười tiết lộ.
Nhiều năm làm thương lái thu mua nông sản ở H.Mường La, chị Nguyễn Thị Hạ cho hay, quả nhãn Mường La cùi dày, ngọt và mọng nước, đưa về thị trường Hà Nội được khách hàng rất yêu thích. Đến mùa thu hoạch, chị Hạ mua nhãn trực tiếp từ các nhà vườn tại H.Sông Mã, đóng thùng rồi chuyển về chợ đầu mối Long Biên và chợ đầu mối Văn Quán (Hà Nội). Nhãn đưa về bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu nhưng năm nay để gom được nhiều hàng như năm 2023 cũng là thử thách đối với cánh thương lái.
"Những năm trước nhãn nhiều, mình chọn vườn thoải mái, mua luôn cả vườn cũng được nhưng năm nay ngược lại, chủ vườn chọn thương lái để bán hàng. Họ cũng không mặn mà bán trọn vườn như năm ngoái mà để hái bán dần theo từng ngày. Có khi nhãn hái về nhà rồi nhưng nếu thương lái đến trả giá thấp, chủ vườn gọi điện bán cho mối khác ngay. Cánh thương lái chúng tôi vẫn nói vui, chưa có năm nào đi mua nhãn mệt như năm nay, nhiều khi phải nhịn, phải nịnh chủ vườn để mua được đủ hàng giao cho khách", chị Hạ nói.
Cũng theo chị Hạ, do nguồn cung bị sụt giảm mạnh nên giá nhãn năm nay rất cao, ổn định từ đầu vụ đến giữa vụ và không có chuyện "sập giá" theo quy luật thị trường hàng năm khi càng vào giữa mùa thu hoạch, giá bán hàng giảm.
"Mùa vụ năm 2023, giá nhãn cao nhất đầu vụ đối với hàng đẹp mua theo tấn tại vườn là 48.000 đồng/kg, sau đó giá hạ dần dần, có thời điểm chỉ còn 15.000 đồng/kg. Còn năm nay, giá đầu vụ đã 50.000 đồng/kg, sau đó giảm nhưng vẫn giữ ổn định ở mức 47.000 - 48.000 đồng/kg. Ngay tại thời điểm hiện tại, giá nhãn loại 1 từ 40.000 - 46.000 đồng, loại 2 từ 30.000 - 35.000 đồng. Đến cả loại nhãn đưa vào xoáy long, giá cũng tăng cao so với năm 2023", chị Hạ phản ánh.
Do nguồn cung sụt giảm mạnh nên giá nhãn Sông Mã (tỉnh Sơn La) năm nay rất cao, ổn định từ đầu vụ đến giữa vụ. NGUYỄN THƯ
Phải nhập nhãn Thái Lan
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, thị trường nhãn ở H.Sông Mã chia làm 2 dòng sản phẩm. Trong đó, nhãn loại "hàng hoa, hàng quà" đạt chất lượng từ loại 1 - 3 luôn có giá bán cao, được thương lái, doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu hoặc đưa vào siêu thị, đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố khắp cả nước. Còn dòng sản phẩm thứ hai là nhãn xoáy long đưa vào các lò sấy chế biến long nhãn sấy khô. Nhãn xoáy long là tên gọi chung cho loại nhãn có mã xấu vỏ quả thâm, đen, kích thước quả to, nhỏ không đồng đều; quả nhãn bị rụng, bị nứt, vỡ vỏ trong quá trình thu hoạch, vận chuyển... không thể bán tươi.
Những năm trước, giá bán dòng nhãn xoáy long trên dưới 10.000 đồng/kg, thời điểm thấp nhất chỉ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, nhãn xoáy long càng vào sâu vụ thu hoạch giá lại càng đắt. Ở thời điểm đầu vụ trong đầu tháng 6, giá nhãn xoáy long chỉ 12.000 đồng/kg nhưng hiện đã tăng lên 14.000 - 16.000 đồng/kg mà không có đủ hàng để đưa vào các lò sấy.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó giám đốc HTX Hoàng Hải, (xã Chiềng Khoong, H.Sông Mã, tỉnh Sơn La), cho biết đơn vị này có hợp đồng xuất khẩu long nhãn cho các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Hiện tại, mỗi ngày cơ sở chế biến long nhãn của hợp tác xã cần 60.000 tấn nguyên liệu. Trước đây, nguồn nguyên liệu này chủ yếu thu mua tại H.Sông Mã và tỉnh Hưng Yên, từ tháng 10 - tháng 12 phải nhập thêm nhãn Thái Lan để làm đủ đơn hàng. Nhưng năm nay, từ đầu tháng 7, HTX Hoàng Hải đã phải mua nhãn Thái Lan để đưa vào chế biến với giá 16.500 đồng/kg.
"Theo hợp đồng xuất khẩu long nhãn sấy khô cho các đối tác năm nay, chúng tôi phải nhập nhãn Thái Lan trước 3 tháng với tổng sản lượng lên tới 20.000 tấn", ông Tuấn chia sẻ.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tiến Hải, Phó chủ tịch UBND H.Sông Mã, thông tin toàn huyện có gần 3.000 lò sấy long nhãn, do thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ nên nhiều cơ sở phải hoạt động cầm chừng. Đặc biệt, nhiều đơn vị xuất khẩu long nhãn đang phải mua nhãn Thái Lan đưa vào chế biến.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, H.Sông Mã có 7.700 ha trồng nhãn, trong đó hơn 6.000 ha đang cho thu hoạch, đã vượt qua Hưng Yên trở thành thủ phủ trồng nhãn tập trung lớn nhất miền Bắc. Mùa vụ năm 2023, sản lượng nhãn toàn H.Sông Mã đạt 75.000 tấn nhưng năm nay do thời tiết không thuận lợi, nhãn bị mất mùa nặng, tổng sản lượng đến khi thu hoạch cũng chỉ bằng 30% so với năm 2023.
"Do sản lượng ít nên nhãn Sông Mã năm nay chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước là hết, không có nhiều hàng xuất khẩu. Hiện nay, các nhà vườn thu hoạch nhãn chín sớm, còn nhãn chính vụ sẽ bắt đầu từ giữa tháng 8. Vườn nào có nhãn đều đã có vài ba thương lái đặt vấn đề thu mua và cũng chưa năm nào các lò sấy ở Sông Mã lại kéo container đưa nhãn Thái về nhiều như năm nay để thay thế nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến", ông Hải cho hay.
Theo Phan Hậu/Thanh niên
https://thanhnien.vn/chuyen-la-o-thu-phu-trong-nhan-lon-nhat-mien-bac-185240721180824613.htm