Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, Việt Nam đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu, điển hình là từ WTO.
Xảy ra khiếu kiện nếu tiếp tục giảm lệ phí trước bạ ô tô?
Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Đáng chú ý, trong hồ sơ, Bộ Tài chính phân tích rất rõ tác động chính sách giảm LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua đối với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Việc giảm 50% LPTB đối với ô tô lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng đến thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định thương mại tự do. BÁ HÙNG
Bộ Tài chính nêu rõ, việc giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng đến thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các FTA. Việc tiếp tục gia hạn chính sách sẽ vi phạm cam kết mà Chính phủ đã đưa ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong giai đoạn áp dụng chính sách giảm LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, Nghị định số 103/2021/NĐ- CP và Nghị định số 41/2023/NĐ-CP, các nước có lợi ích xuất khẩu ô tô vào Việt Nam đã phản ánh việc Việt Nam đối xử không công bằng giữa ô tô sản xuất trong nước với ô tô nhập khẩu, vi phạm nguyên tắc cơ bản của WTO. Các đối tác này nhiều lần đề xuất gặp lãnh đạo Bộ Tài chính để trao đổi về nội dung này.
Theo Bộ Tài chính, thời gian vừa qua, Việt Nam đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu từ quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.
Cụ thể, tại phiên rà soát chính sách thương mại WTO lần 2 của Việt Nam tháng 4.2021, Ban Thư ký WTO đề nghị Việt Nam cung cấp thông tin về việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 đối với ngành công nghiệp ô tô (ví dụ như giảm mức thu LPTB tại Nghị định số 70/2020/NĐ-CP) và bày tỏ quan ngại chính sách này vi phạm các cam kết của Việt Nam trong WTO.
Tại phiên họp Ủy ban Thương mại hàng hóa ngày 30.11.2023 và phiên họp Ủy ban Thương mại cấp bộ trưởng ngày 1.12.2023 với EU tại Bỉ, phía EU đã bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam lần thứ 3 giảm 50% mức thu LPTB cho ô tô được sản xuất trong nước, từ đó vi phạm cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) về phân biệt đối xử và tác động tiêu cực đến thương mại song phương.
Phía Việt Nam đã giải thích lý do ban hành biện pháp này là để giúp các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước vượt qua khó khăn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Đây là biện pháp tạm thời, chỉ thực hiện trong 6 tháng và sẽ hết hiệu lực vào tháng 12.2023. Phía Việt Nam cũng cho biết thêm kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam chưa từng ban hành chính sách nào tương tự, nhưng đây là ngoại lệ.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, đối với việc tiếp tục gia hạn thực hiện chính sách giảm LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, có thể khẳng định Việt Nam vi phạm cam kết về hàng hóa mà Chính phủ đã đưa ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Biện pháp này được đánh giá là vi phạm cam kết về hàng hóa giữa các quốc gia với nhau, không thuộc trường hợp tranh chấp giữa nhà đầu tư và một quốc gia. Theo đó, khả năng khiếu nại, khiếu kiện có thể xảy ra nhưng được đánh giá là không quá căng thẳng.
Xây dựng các phương án chi tiết để chủ động ứng phó
Trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã cập nhật ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương góp ý cho dự thảo Nghị định quy định mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Về cơ bản, các đơn vị nhất trí với dự thảo nghị định. Ngoài ra, Bộ KH-ĐT, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương cũng bày tỏ ý kiến lo ngại về vi phạm cam kết quốc tế.
Theo Bộ Công thương, cần có những biện pháp ngoại giao phù hợp để tránh bị ảnh hưởng uy tín với các đối tác thương mại dẫn đến khả năng bị kiện theo quy định của Thỏa thuận về quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO (DS) hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa.
Bộ KH-ĐT phân tích, theo báo cáo của Bộ Tài chính, có thể khẳng định Việt Nam vi phạm cam kết quốc tế về hàng hóa mà Chính phủ đã đưa ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khi tiếp tục thực hiện gia hạn chính sách giảm LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Việc tiếp tục giảm 50% LPTB dẫn tới nguy cơ bị xử phạt do vi phạm cam kết quốc tế. Do đó, bộ này đề nghị Bộ Tài chính phân tích thêm lý do giảm LPTB trong 6 tháng, nghiên cứu bổ sung đánh giá việc có nên tiếp tục giảm 50% LPTB hay không khi nghị định hết hiệu lực vào ngày 31.1.2025.
Bộ Tư Pháp đề nghị Bộ Tài chính rà soát kỹ các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, từ đó phối hợp Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao xây dựng các phương án chi tiết để chủ động ứng phó (trong trường hợp Chính phủ ban hành Nghị định), báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Đề nghị Bộ Tài chính đánh giá tác động đầy đủ, rà soát đối tượng giảm LPTB, đề xuất đối tượng giảm LPTB cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất; phù hợp với luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đề nghị Bộ Tài chính tuân thủ đúng và đầy đủ Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 126/NQ-CP.
Tại công văn ngày 26.4 và Tờ trình Chính phủ số 121/TTr-BTC ngày 31.5, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chi tiết về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án. Phương án 1: cân nhắc không giảm LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Phương án 2: giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng. Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 1. Tuy nhiên, tại Thông báo số 264/TB-VPCP ngày 19.6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến: hầu hết các ý kiến tại cuộc họp thống nhất trình Chính phủ quy định việc giảm LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thực hiện đúng theo Nghị quyết số 44/NQ-CP và thực hiện xây dựng nghị định theo trình tự thủ tục để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của chính sách, rút gọn. Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ nghị định về mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; trong đó lưu ý bổ sung nội dung phân tích, đánh giá tác động đảm bảo đầy đủ, toàn diện, nhất quán (tác động số thu ngân sách nhà nước, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ vi phạm các cam kết, khả năng khiếu nại, khiếu kiện), báo cáo Chính phủ trong tháng 6. Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại thông báo nêu trên, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ. |
Theo Đan Thanh/Thanh niên
https://thanhnien.vn/wto-yeu-cau-viet-nam-giai-thich-viec-giam-50-phi-truoc-ba-o-to-185240717204659136.htm