Thay vì bắt buộc, Bộ Y tế chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm
Ngày 15-7, tại TP HCM, 6 hội và hiệp hội ngành hàng thực phẩm gồm Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Hội Sản xuất nước mắm TP Phú Quốc (Kiên Giang), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT) và Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao đồng tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09).
8 năm chưa sửa được quy định
Tại hội thảo, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho biết 8 năm trước, Nghị định 09 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm ra đời. Trong đó, điều 6 khoản 1 Nghị định 09 quy định: "Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt; bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm". "Chúng tôi đã cung cấp những bằng chứng cụ thể cho thấy việc sử dụng muối i-ốt trong sản xuất thực phẩm không phù hợp với khoa học và quản lý rủi ro, không phù hợp với thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế, gây khó khăn lớn cho sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, quy định này chỉ mới chú ý đến lợi ích bổ sung vi chất cho nhóm người thiếu hụt mà không tính đến nguy cơ cho sức khỏe của nhóm người đã đủ hoặc thừa vi chất" - bà Chi trình bày.
Các doanh nghiệp chế biến hạt điều bị phát sinh nhiều chi phí và rủi ro khi thực hiện Nghị định 09
Chưa kể, i-ốt bổ sung hầu như mất hết trong quá trình chế biến. Các kết quả xét nghiệm đối với hủ tiếu, mì ăn liền của Công ty Acecook, chả giò thịt, thịt heo hầm của Công ty Vissan, xốt gia vị của Công ty TNHH Nam Phương V.N đều không phát hiện được i-ốt trong sản phẩm cuối. "Cộng đồng DN đã rất vui mừng khi ngày 15-5-2018 Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/2018/NQ-CP (Nghị quyết 19) chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo hướng: bãi bỏ quy định "muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt", "bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm". Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích DN chế biến thực phẩm sử dụng. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã có 2 văn bản chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định 09 theo chỉ đạo trong Nghị quyết 19. Thế nhưng, từ đó đến nay, đã qua 3 đời bộ trưởng Bộ Y tế, Nghị định 09 vẫn y nguyên. Mới đây, chúng tôi rất bất ngờ và thất vọng với dự thảo sửa đổi Nghị định 09 của Bộ Y tế, khi hầu như giữ nguyên các quy định bất cập của Nghị định 09" - bà Chi nêu lo ngại.
Các ý kiến trao đổi tại hội thảo đều cho rằng dự thảo của Bộ Y tế chưa thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 19 là chỉ nên khuyến khích DN chế biến thực phẩm sử dụng, không bắt buộc bổ sung. Dự thảo cũng chưa tính đến nguy cơ tác hại đối với sức khỏe nhóm dân cư đủ và thừa vi chất khi bắt buộc bổ sung đại trà. "Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2010, lượng natri cung cấp từ thực phẩm chế biến khác (ngoài nước mắm và mì ăn liền) chỉ chiếm 2% lượng natri ăn vào. Rõ ràng là tỉ lệ nhỏ như vậy không thể có vai trò gì đáng kể trong phòng chống thiếu i-ốt" - chuyên gia Vũ Thế Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học Sở An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết.
Bất cập, lãng phí
Ở góc độ DN, nhiều ý kiến phản ánh 8 năm qua, quy định bất hợp lý trên đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và lãng phí cho ngành chế biến thực phẩm mà đại diện là các lĩnh vực: sản xuất nước mắm, hạt điều, thủy hải sản, mì ăn liền, các sản phẩm từ thịt… phục vụ cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết hiện nhiều nước không chấp nhận thực phẩm có bổ sung i-ốt. Nhật Bản, Úc... yêu cầu các DN phải có chứng nhận không sử dụng muối i-ốt mới được xuất khẩu sang nước họ. "Có DN phải đầu tư 2 dây chuyền khác nhau để làm hàng nội địa và xuất khẩu vì thị trường nhập khẩu cấm thành phần i-ốt trong khi làm nội địa buộc phải có" - bà Hạnh dẫn chứng về việc DN mất thời gian và chi phí lớn để thực hiện Nghị định 09.
Theo tính toán của Vissan, việc dùng muối i-ốt tăng 5% so với sử dụng muối thông thường nhưng lại không có hiệu quả cho khách hàng. Do đó, Vissan kiến nghị bãi bỏ yêu cầu bắt buộc sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm, thay vào đó chỉ khuyến khích sử dụng như chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho DN.
Cộng đồng DN thực phẩm và các hiệp hội cũng kiến nghị sửa đổi dự thảo Nghị định 09 dựa trên cơ sở khoa học và quản lý rủi ro, phù hợp với thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế, góp phần vào việc cải thiện sức khỏe nhân dân một cách công bằng, không thiên lệch và tháo gỡ dứt điểm các bất cập đã kéo dài quá lâu, để DN ngành thực phẩm yên tâm sản xuất - kinh doanh và phát triển.
Doanh nghiệp bị vạ lây Ông Phạm Trung Thành, Trưởng Ban Đối ngoại Công ty CP Acecook Việt Nam, cho hay hiện nay công ty phát sinh khoảng 13,5 tỉ đồng/năm cho việc tránh nhiễm chéo giữa các loại nguyên liệu dùng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, DN còn gặp khó khăn trong thủ tục xuất khẩu tới nhiều thị trường có cơ chế kiểm duyệt phức tạp đối với thực phẩm nhập khẩu có bổ sung vi chất sắt, kẽm, i-ốt như: Nhật Bản, Na Uy, Đan Mạch, Philippines, Úc, New Zealand, Hàn Quốc... Khi xuất hàng sang các thị trường này phải kê khai vi chất chi tiết trên bao bì hoặc bổ sung nội dung tem dán làm tốn thêm thời gian và chi phí. "Chúng tôi buộc phải sử dụng nguyên liệu không bổ sung các vi chất dinh dưỡng trên và tổ chức sản xuất riêng biệt với sản phẩm Hảo Hảo nội địa và sản phẩm Hảo Hảo xuất khẩu. Đáng nói, sản phẩm Hảo Hảo cho thị trường nội địa đã bổ sung i-ốt, sắt kẽm lại bị một số công ty thương mại cố tình xuất khẩu, dẫn đến nguy cơ hàng hóa của Acecook vi phạm Luật An toàn thực phẩm của Nhật Bản. Acecook cũng phải đối diện với rủi ro khủng hoảng truyền thông tại thị trường xuất khẩu lẫn nội địa" - ông Thành bày tỏ. |
https://nld.com.vn/lai-nong-chuyen-i-ot-trong-che-bien-thuc-pham-196240715205036627.htm