Nhấn mạnh các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, 'doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc', Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu đơn vị tháo gỡ vướng mắc, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp.
Sáng 15.7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt hơn 1 triệu tỉ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023. Kết quả đó có được là nhờ chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm đã đạt kết quả khả quan, GDP tăng 6,42%, lạm phát 6 tháng đầu năm tăng 4,08%. Tính bình quân 6 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023.
“Chúng ta đã hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế theo các chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ phê chuẩn. Theo đó, chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất lên đến 184.000 tỉ đồng trong điều kiện kinh tế và tài chính công còn khó khăn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Chính sách tài khóa mở rộng của chúng ta hết năm nay là kết thúc để cho một chu kỳ mới. 4 năm chúng ta thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người nộp thuế gần 200.000 tỉ đồng/năm.
Giờ cần đầu tư năng lực tài chính công để đầu tư sân bay, cao tốc, cải cách tiền lương… Cho nên, chúng ta phải thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cần thông điệp ra để Quốc hội, Chính phủ ủng hộ, để 2025 thôi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm khơi thông nguồn lực, sản xuất kinh doanh, đẩy nền kinh tế lên, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp".
Trăn trở về khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh: "Doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa, giải thể vẫn lớn. Một trong những nguyên nhân của thực tế này do khó khăn, ách tắc chính sách".
Thúc giải ngân vốn đầu tư công
Một trong những vấn đề được Bộ trưởng Phớc dành nhiều thời gian chia sẻ tại hội nghị là giải ngân vốn đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm gần 29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư công ách tắc sẽ tác động đến vốn đầu tư xã hội.
"Số tiền không giải ngân được nằm ở kho bạc là hơn 1 triệu tỉ đồng, trong khi vay vốn ODA lãi suất 6%, doanh nghiệp vay vốn lãi suất tới 10 - 12%. Đây chính là một sự lãng phí", ông Phớc nói.
Đề nghị các đơn vị đặc biệt quan tâm tới thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh: "Khi gặp khó khăn, các đơn vị trình, báo cáo lãnh đạo bộ, tôi sẽ ký và chịu trách nhiệm".
Một khía cạnh khác được ông Phớc đề cập là cần tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản. Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện nợ thuế sử dụng đất toàn quốc là 89.000 tỉ đồng. Rõ ràng điều này không những làm thất thu ngân sách, lãng phí nguồn lực xã hội mà còn tạo ra xung đột trong xã hội.
Theo Đan Thanh/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/bo-truong-tai-chinh-doanh-nghiep-lon-khong-co-tien-doanh-nghiep-nho-khong-co-viec-185240715154037437.htm