Doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm xuất khẩu lâu năm bắt tay với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp start-up để đưa hàng Việt ra thế giới nhanh và nhiều hơn.
Sau chuyến công tác tại Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Vina T&T Group, Chủ tịch Hội Sản phẩm nông nghiệp sạch TP HCM - đăng thông báo trên trang cá nhân về việc tuyển chọn các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt chứng nhận 5 sao để xuất khẩu sang Mỹ.
Tận dụng lợi thế của doanh nghiệp lớn
Từng tham gia nhiều đoàn xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Công Thương..., ông Nguyễn Đình Tùng được tiếp xúc với nhiều đầu mối thu mua ở nước ngoài nên nắm được nhu cầu của khách hàng. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ có sản phẩm tốt nhưng chưa đủ năng lực xuất khẩu trực tiếp. "DN của tôi sẽ là đầu mối xuất khẩu những container ghép hàng đầu tiên cho nhiều DN để thử nghiệm thị trường trước khi xuất khẩu quy mô lớn" - ông Tùng cho hay.
Ông Tùng cũng cho biết mới đây đã đưa thành công sản phẩm của 2 thương hiệu nước mắm nổi tiếng Phú Quốc là Thanh Quốc và Khải Hoàn sang Mỹ. Phương châm chung là DN mạnh về sản xuất thì tập trung sản xuất, DN có lợi thế về thương mại thì sẽ lo kết nối, tổ chức gặp gỡ các bên và xuất khẩu. Thời gian tới, DN sẽ xuất khẩu các sản phẩm OCOP 5 sao, sau đó đến sản phẩm 3 sao, 4 sao. Sau Mỹ, công ty dự kiến đưa hàng Việt sang một số thị trường khác như Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Cũng vừa báo tin vui chính thức trở thành cầu nối đưa hàng Việt xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, cho biết một số DN start-up Việt Nam phát triển khá nhanh, có sản phẩm xuất khẩu sang một số thị trường. Tuy nhiên, vừa qua một số start-up phát hiện thương hiệu của mình đã bị đăng ký tại Trung Quốc, đồng thời còn gặp một số vấn đề khác trong quản trị DN, phát triển thị trường. Để hỗ trợ những DN này, ông Viên đã mở lớp tư vấn về bảo hộ thương hiệu.
Bên cạnh đó, văn phòng đại diện của Công ty CP Vinamit tại Trung Quốc sẽ đảm nhận kết nối các start-up này với thị trường láng giềng. Trước mắt là hợp tác thử nghiệm với một số DN sản xuất trái cây cuộn, bánh tráng, cà phê...; tư vấn, hướng dẫn DN điều chỉnh bao bì, hương vị... để phù hợp với thị hiếu của thị trường xuất khẩu. "Giai đoạn đầu, các sản phẩm sẽ được xuất khẩu dưới thương hiệu của chúng tôi. Cách làm này giúp DN nhỏ chuẩn hóa chất lượng, có cơ hội kiểm chứng thị trường, giảm rủi ro. Sau một thời gian, nếu đủ điều kiện và hết thời hạn gia công sản xuất độc quyền, các DN có thể xuất khẩu với thương hiệu của mình" - ông Viên nói.
Thông qua việc liên kết với doanh nghiệp bán lẻ, nhiều nhà sản xuất đã đưa hàng Việt ra thế giới thành công. Trong ảnh: Hàng Việt được giới thiệu tại một hệ thống siêu thị ở Thái Lan. Ảnh: THANH NHÂN
Liên kết tiến vào chuỗi cung ứng
Những năm gần đây, các tập đoàn phân phối nước ngoài như AEON, Central Retail, Mega Market, LOTTE Mart và cả DN bán lẻ lớn trong nước là Saigon Co.op đã liên kết với các tỉnh - thành, nhà cung ứng để xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống của họ.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Hương Quê (Hương Quê Vegan Food), cho biết đã ký được hợp đồng độc quyền với một hệ thống bán lẻ hàng Việt tại Mỹ để đưa thực phẩm chay sang hệ thống này. "Việc xuất khẩu không đơn giản với DN vừa và nhỏ vì đòi hỏi chuẩn chỉnh về pháp lý, quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, nếu xuất khẩu thông qua một đầu mối thì sẽ đơn giản hơn. Các DN có thể xuất khẩu thương hiệu riêng hoặc gia công cho Hương Quê Vegan Food và chịu phí hoa hồng 2% cho chúng tôi" - ông Tuấn nêu rõ.
Với quan điểm DN mạnh ở mảng nào thì tập trung ở đó, Công ty CP Sâm Việt Nam Vinapanax (Vinapanax) ký hợp đồng với Solife Việt Nam - một công ty thương mại có văn phòng tại Mỹ - để xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh. "Chúng tôi đã đàm phán để đưa sâm Ngọc Linh Vinapanax dưới dạng bột hòa tan lên hệ thống bán lẻ Costco của Mỹ. Dự kiến, lô hàng đầu tiên sẽ xuất đi 10.000 hộp sâm các loại. Solife Việt Nam cũng đặt hàng Vinapanax nghiên cứu, phát triển thêm dòng sản phẩm thải độc gan, thận, máu - nhóm sản phẩm đang bán rất chạy tại Mỹ" - bà Nguyễn Kiều Hương, đại diện Solife Việt Nam, thông tin.
Thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến
Mới đây, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã thành lập Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến Việt Nam (VESA), gồm các nhà cung cấp dịch vụ công nghiệp, công ty hậu cần, DN sản xuất, xuất khẩu, logistics, ngân hàng, công nghệ... Mục đích là nhằm kết nối, hỗ trợ cộng đồng DN vừa và nhỏ chuyển đổi số, khai thác cơ hội xuất khẩu trực tuyến. Thông qua liên minh này, các DN có thể tận dụng được lợi thế của nhau và thúc đẩy liên kết đa nền tảng, xuất khẩu trực tuyến.
Theo Thanh Nhân - Ngọc Ánh/ NLĐ
https://nld.com.vn/hop-suc-dua-hang-viet-ra-the-gioi-196240703212311682.htm