4
/
166291
Bảo vệ tiền bằng sinh trắc học
bao-ve-tien-bang-sinh-trac-hoc
news

Bảo vệ tiền bằng sinh trắc học

Thứ 4, 03/07/2024 | 08:58:48
1,308 lượt xem

Các ngân hàng hỗ trợ tối đa để xác thực sinh trắc học nhằm bảo vệ tài khoản của khách hàng theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước.

Cuối ngày 2-7, phản ánh đến Báo Người Lao Động, nhiều khách hàng cho biết đã "ôm cục tức" vì không cập nhật được dữ liệu sinh trắc học, cho đến khi ra quầy giao dịch ngân hàng (NH). Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 1-7, một số giao dịch trực tuyến bắt buộc phải xác thực sinh trắc học để định danh chính chủ tài khoản, loại bỏ tài khoản giả mạo và hạn chế rủi ro gian lận, lừa đảo. Nhiều NH cho hay hệ thống đã ổn định hơn, mượt hơn trong 2 ngày qua.

Ấm ức vì... xác thực

"Xác thực sinh trắc học" là từ khóa được khách hàng và nhân viên NH thương mại đề cập nhiều nhất trong vài ngày qua. Một số nhân viên NH còn ví von "lâu lắm rồi mới thấy khách hàng ra quầy giao dịch… nhiều như vậy". Ở nhà cập nhật dữ liệu trên ứng dụng (app) NH số không được, trong khi ra quầy thì chỉ vài chục giây là xong.

Chị Ngọc Hương (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết cả buổi sáng 2-7, chị làm đủ mọi cách cũng không cập nhật được dữ liệu sinh trắc học để chuyển tiền trên 10 triệu đồng cho đối tác. "Cứ đến khâu đọc thông tin CCCD gắn chip thì bị lỗi. Đến lúc dò được chip, chụp hình khuôn mặt để xác thực thì hệ thống yêu cầu chụp lại… Rồi làm lại từ đầu, cả buổi sáng không xong. Phải tới đầu giờ chiều, tôi ra chi nhánh NH Á Châu (ACB) được nhân viên quầy giao dịch hướng dẫn mới thành công. Do mỗi dòng điện thoại, thiết bị đọc NFC nằm ở vị trí khác nhau. Sau khi được nhân viên NH chỉ "bí kíp", tôi về nhà tự cập nhật được dữ liệu một số tài khoản NH khác" - chị Hương kể.

Ghi nhận tại quầy giao dịch một số NH, nhiều người cập nhật dữ liệu không được đã phải chủ động rút tiền mặt để dùng, tránh bất tiện. Những người này chủ yếu là trung niên, người lớn tuổi. Nhiều khách hàng khác được nhân viên NH hỗ trợ và cập nhật thành công.

Một số khách hàng khác cũng "vã mồ hôi" mới cập nhật được sinh trắc học. Anh Nguyễn Văn (ngụ TP HCM) cho biết anh dùng dòng iPhone 15 Promax xác thực dữ liệu trên tài khoản NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Khi đưa CCCD gắn chip vào các vị trí đọc NFC do NH hướng dẫn vẫn không được. "Mấy ngày không cập nhật được qua app, tôi bỏ cuộc. Sáng nay, tôi ra tận quầy nhờ nhân viên NH hỗ trợ, thử các vị trí đọc NFC trên lưng điện thoại. Đến khi thử đọc chip ngay trên đầu điện thoại… sau vài giây là thành công. Nhiều bạn bè tôi cũng loay hoay cập nhật sinh trắc học dù sử dụng điện thoại đời mới" - anh Văn kể.

Ghi nhận từ phía NH, nhiều NH thương mại cho hay trong ngày thứ 2 từ khi quy định chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực sinh trắc học có hiệu lực, hệ thống đã chạy mượt hơn, ổn định hơn. Số cuộc gọi tới tổng đài NH nhờ hỗ trợ và lượng khách hàng tới trực tiếp quầy giao dịch… cũng giảm bớt so với ngày đầu tiên (1-7).

Khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học để chuyển tiền trên 10 triệu đồng, theo quy định mới của NHNN. Ảnh: Bình An

Hạn chế rủi ro gian lận, lừa đảo

NH Phương Đông (OCB) cho biết trong ngày 2-7, hệ thống ngân hàng số OCB OMNI 4.0 đã hoạt động khá ổn định. OCB đã triển khai bổ sung hạ tầng công nghệ cho xác thực sinh trắc học để bảo đảm cho giao dịch đăng ký và xác thực sinh trắc học của khách hàng được ổn định, nhanh chóng. Tại các chi nhánh, phòng giao dịch, ngân hàng cũng tăng cường nguồn lực, bổ sung công cụ để hỗ trợ khách hàng.

"OCB đã triển khai tính năng thu thập sinh trắc học tại chi nhánh, phòng giao dịch hoặc bên ngoài điểm giao dịch của NH thông qua chức năng thu thập sinh trắc học khách hàng trên ứng dụng OCB Assist - ứng dụng nội bộ do NH phát triển. Tính năng này sẽ hỗ trợ đến các nhóm khách hàng người Việt không đăng ký trực tuyến được trên ứng dụng OCB OMNI do thiết bị không có NFC; khách hàng chưa biết cách đăng ký trực tuyến; khách có quốc tịch nước ngoài" - đại diện NH này thông tin.

NH Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho hay tính đến hết ngày 1-7 đã có hơn 1,4 triệu khách hàng của NH đăng ký thực hiện thành công việc cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên Techcombank Mobile, chiếm tổng số hơn 80% khách hàng thường xuyên thực hiện giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng.

Thống kê của NH Á Châu (ACB), đến nay đã có hơn 500.000 khách hàng đăng ký triển khai xác thực khuôn mặt thành công. Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, nhìn nhận xác thực khuôn mặt là giải pháp triệt để, giúp giải quyết được các rủi ro về bảo mật và an toàn tài khoản. Với việc xác thực khuôn mặt, chỉ có chính chủ tài khoản mới chuyển được tiền. "Trong trường hợp chủ tài khoản bị lộ thông tin, tội phạm có thể chiếm quyền kiểm soát điện thoại để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của họ. Nhưng với yêu cầu khi giao dịch phải xác thực khuôn mặt đã so khớp với khuôn mặt trên thẻ căn cước thì tội phạm khó có thể giả mạo để lấy được tiền" - ông Phát nói.

Là NH thương mại quốc doanh có lượng khách hàng cá nhân rất lớn, Vietcombank cho biết đã, đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học. Hiện Vietcombank là NH đầu tiên cung cấp giải pháp giúp khách hàng có thể cập nhật thông tin sinh trắc học online thông qua giải pháp kết nối app - to - app giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID (bên cạnh giải pháp sử dụng CCCD gắn chip và điện thoại có kết nối NFC đang triển khai). Điều này giúp khách hàng có thêm lựa chọn về hình thức cập nhật thông tin sinh trắc học.

Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết việc ứng dụng VNeID trong xác thực điện tử giúp khai thác nguồn dữ liệu tin cậy từ cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, phục vụ cho công tác định danh khách hàng mới và xác thực khách hàng hiện hữu, mang tới giao dịch an toàn, đơn giản cho khách hàng của NH. "Vietcombank đã làm việc chặt chẽ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) để tích hợp hệ thống, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, trang thiết bị phục vụ và ứng dụng nhiều giải pháp hiện đại để mang lại trải nghiệm thuận tiện nhất cho khách hàng khi đăng ký, cập nhật thông tin sinh trắc học; xác thực giao dịch bằng sinh trắc học" - ông Vinh nói. 

Chưa xác thực, có sao không?

Theo NHNN, bản chất của việc xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền là kiểm tra thông tin người mở tài khoản khớp với thông tin trên CCCD do Bộ Công an cấp hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này nhằm loại bỏ tài khoản giả, không chính chủ, không hợp pháp. Qua đó, tổ chức tín dụng sẽ nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán, giảm rủi ro khách hàng bị gian lận, lừa đảo.

Đối với những khách hàng chưa có CCCD gắn chip (có CCCD hoặc CMND còn thời hạn hiệu lực theo quy định của pháp luật) hoặc khách hàng là người nước ngoài hoặc khách hàng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC, để thực hiện giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng, khách hàng chỉ phải thực hiện đăng ký 1 lần thông tin sinh trắc học tại quầy với NH. Sau đó, khách hàng có thể thực hiện giao dịch thông qua ứng dụng Mobile Banking/Internet Banking.


Cảnh báo lợi dụng cập nhật sinh trắc học để lừa đảo

Các NH khuyến cáo khách hàng chỉ cập nhật sinh trắc học qua ứng dụng NH hoặc tại quầy giao dịch, không thực hiện qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro gian lận, lừa đảo.

Vietcombank vừa khuyến cáo trong giai đoạn đầu triển khai xác thực sinh trắc học, đã xuất hiện đối tượng giả mạo nhân viên NH liên hệ khách hàng đề nghị "hỗ trợ" cài đặt sinh trắc học nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng... Theo đó, kẻ gian gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook...) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học; lập nick gây nhầm lẫn như "nhân viên NH", "hỗ trợ khách hàng"... và trà trộn tương tác với những bình luận của khách hàng dưới các bài đăng trên trang mạng xã hội chính thức của NH, để đề nghị khách hàng liên hệ riêng nhằm dẫn dụ khách hàng, lừa đảo lấy thông tin dịch vụ NH...

"Vietcombank không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger...). Khách hàng tuyệt đối không bấm vào link, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ NH, thông tin cá nhân nào khác, để tránh bị lừa đảo" - Vietcombank cảnh báo.


Theo Thái Phương/NLĐ

https://nld.com.vn/bao-ve-tien-bang-sinh-trac-hoc-196240702211025093.htm

  • Từ khóa

Mưa nhiều nhưng miền Bắc vẫn lo thiếu điện

Do mức dự phòng công suất, điện năng thời điểm cuối mùa khô thường ở mức thấp nên miền Bắc vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại...
13:58 - 05/07/2024
38 lượt xem

Xuất khẩu hàng hóa nửa đầu năm 2024: Nhóm hàng nông sản tăng trưởng cao nhất

Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhóm hàng nông sản ghi nhận mức tăng trưởng cao...
12:35 - 05/07/2024
58 lượt xem

Xuất khẩu cà phê nửa đầu năm 2024: Robusta chiếm vị trí chủ đạo

Trong tổng kim ngạch cà phê xuất khẩu khoảng gần 3,26 tỷ USD nửa đầu năm 2024, thì cà phê Robusta chiếm vị trí chủ đạo với kim ngạch khoảng trên 2,53 tỷ...
09:50 - 05/07/2024
156 lượt xem

Duy trì đà tăng trưởng nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2024, thặng dư thương mại ngành nông nghiệp đạt khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4% so với cùng kỳ...
07:53 - 05/07/2024
184 lượt xem

Điện tái tạo hết 'nghẽn'

Với cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn vừa được ban hành, dự tính có hàng ngàn...
06:59 - 05/07/2024
209 lượt xem