Bên cạnh những thành tích về kim ngạch xuất khẩu, xây dựng thương hiệu là cách để nâng cao vị thế hạt cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Mở nhạt thương hiệu cà phê Việt
Sản phẩm “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” đã được phê duyệt là sản phẩm thương hiệu quốc gia. Nội dung xây dựng thương hiệu Cà phê Việt Nam chất lượng cao được cụ thể hóa tại Đề án Khung phát triển sản phẩm quốc gia Cà phê Việt Nam chất lượng cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Quyết định 4653/QĐ-BNN-KHCN ngày 15/11/2017.
Thị trường cà phê trong nước
Mục tiêu chung của Đề án là phát triển ngành cà phê sản xuất hàng hóa chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao trên cơ sở áp dụng đồng bộ giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến gắn với cơ giới hóa, tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh cà phê, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Một trong những mục tiêu và nội dung quan trọng của Đề án này là xây dựng thương hiệu Cà phê Việt Nam chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, bảo đảm có 50% doanh nghiệp đầu ngành gắn thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao trên bao bì sản phẩm trong giao dịch, mua bán trên thị trường trong nước và thế giới.
Để thực hiện xây dựng thương hiệu, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn được giao xây dựng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Việt Nam chất lượng cao. Cho đến nay, Viện đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ (trong đó gồm Quy chế quản lý và sử dụng, logo, tiêu chí Cà phê Việt Nam chất lượng cao) và đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Việt Nam chất lượng cao cho sản phẩm cà nhân, cà phê rang và cà phê bột tại Cục Sở hữu trí tuệ vào tháng 12/2022.
Tuy nhiên, cho đến tháng 9/2023, Cục Sở hữu trí tuệ chưa cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Việt Nam chất lượng cao. Nguyên nhân vướng mắc chính là do thiếu hành lang pháp lý và hệ thống quản lý tên gọi quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về việc sử dụng tên quốc gia nhưng hiện nay Bộ này chưa thực hiện. Do nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Việt Nam chất lượng cao chưa được bảo hộ, Đề án tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu Cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với thương hiệu ngành, chỉ dẫn địa lý do Bộ Công Thương trình Thủ tướng cũng chưa được phê duyệt.
Đầu tư xây dựng thương hiệu - việc cần phải làm
Theo ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu cà phê Napoli, cả nước có khoảng 10.000 doanh nghiệp cà phê. Số lượng doanh nghiệp cà phê rất nhiều nhưng việc phát triển cà phê thương hiệu Việt ra thị trường thế giới còn hạn chế.
“Trong nhiều năm nay, tôi đi khoảng 100 nước trên thế giới và thấy rất ít thương hiệu cà phê Việt Nam, đâu đó gặp thương hiệu cà phê Trung Nguyên trên quầy kệ siêu thị một số nước. So với Thái Lan, Malaysia thì độ bao phủ và thị trường của các thương hiệu cà phê Việt Nam rất hạn chế”, ông Nguyễn Quang Hưng cho hay.
Trước thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp cà phê Việt cần chú trọng xây dựng thương hiệu để gia tăng giá trị cũng như nâng cao vị thế sản phẩm cà phê Việt trên thị trường quốc tế.
Bà Đỗ Việt Hà - Tùy viên thương mại Thương vụ Việt Nam tại Đức khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu gắn với câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm, cách chế biến một cách trung thực nhất đến người tiêu dùng. Cần tận dụng lợi thế hiệp định kinh tế mang lại, để đưa cà phê vào thị trường EU nói chung và Đức nói riêng. Đồng thời nên có kế hoạch tham dự các hội chợ quốc tế tổ chức hằng năm ở Đức.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Gruber Alexander Lukas - Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn, đại diện thương hiệu Alambe' Finest Vietnamese Coffee - cho rằng, cà phê Việt Nam nổi tiếng với số lượng lớn, giá rẻ. Do đó, cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các hạng tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn…, chỉ như vậy xuất khẩu cà phê mới có giá trị gia tăng.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam những năm gần đây tăng trưởng liên tục về giá trị nhưng chủ yếu là cà phê nhân - chiếm hơn 90% sản lượng và khoảng 85% giá trị. Các loại cà phê hòa tan, chế biến sâu dù có tăng song mới chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước.
Hiện nay, rất ít doanh nghiệp làm thương hiệu cho cà phê xuất khẩu ra thế giới. Do đó, đầu tư xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam là việc cần phải làm. Khi thương hiệu tăng lên thì giá trị cà phê cũng sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chung tay với nông dân để liên kết chuỗi giá trị từ người sản xuất đến khâu cuối cùng. Để phát triển và nâng giá trị cà phê Việt, cần chú trọng đầu tư sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính.
Về việc nay, ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho hay, Hiệp hội đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu quốc gia Robusta Việt Nam để góp phần nâng giá trị cà phê Việt trên thị trường quốc tế.
“Tại Việt Nam, diện tích và sản lượng cà phê Robusta chiếm đến 94%, cà phê Arabica chỉ chiếm 6%. Hiện nay, thế giới đang phụ thuộc vào cà phê Robusta Việt Nam nên đây là cơ hội tốt để chúng ta xây dựng thương hiệu. Trong tương lai, người tiêu dùng thế giới sẽ biết được họ đang sử dụng cà phê được trồng bởi nông dân Việt Nam”, ông Đỗ Hà Nam chia sẻ.
Theo Nguyễn Hạnh/ Công Thương
https://congthuong.vn/xay-dung-thuong-hieu-nang-gia-tri-ca-phe-viet-315709.html